Nghiên cứu, được tiến hành tại Israel với sự tham gia của 1,2 triệu người, còn cho thấy vắc-xin của Pfizer-BioNTech có hiệu quả 92% trong việc ngăn ngừa ca nhiễm nặng sau 2 liều và 62% sau liều đầu tiên.
Đối với khả năng ngăn ngừa nguy cơ tử vong, sản phẩm của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả ước tính 72% sau 2-3 tuần kể từ mũi tiêm đầu tiên, một tỉ lệ có thể được cải thiện khi khả năng miễn dịch tăng theo thời gian.
Cũng trong ngày 24-2, điều phối viên chương trình ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients thông báo Mỹ dự kiến phân phối 3-4 triệu liều vắc-xin của hãng Johnson & Johnson vào tuần tới ngay khi sản phẩm của hãng dược này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.
Khoảng 2 triệu liều trong số này sẽ được phân phối cho các bang và phần còn lại sẽ thuộc về các chương trình phân phối liên bang, điều phối viên Zients cho biết thêm.
Một cụ ông xác nhận thông tin với nhân viên y tế trước khi được tiêm mũi thứ nhất của vắc-xin Pfizer-BioNTech tại TP San Jose - Mỹ hôm 24-2 Ảnh: REUTERS
Thông báo trên được đưa ra không lâu sau khi FDA đánh giá vắc-xin 1 liều của hãng dược Mỹ này an toàn và hiệu quả trong quá trình thử nghiệm, một tín hiệu cho thấy vắc-xin có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong vài ngày tới. Johnson & Johnson đã ký thỏa thuận giao 100 triệu liều vắc-xin cho Mỹ đến cuối tháng 6 năm nay.
Tại châu Á, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 bắt đầu được triển khai tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo trang Bloomberg, Hồng Kông bắt đầu chương trình tiêm chủng hôm 22-2, với Đặc khu trưởng Carrie Lam được tiêm sản phẩm của Công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc). Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng dành những mũi tiêm đầu tiên cho các nhóm ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết hơn 500.000 công dân nước này đã đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 thông qua ứng dụng MySejahtera trong ngày đầu của chương trình tiêm chủng hôm 24-2.
Theo Bộ trưởng Khairy, mặc dù công chúng có thể đăng ký vào bất cứ thời điểm nào, ngày họ được tiêm phòng sẽ dựa vào từng giai đoạn đã được định sẵn, với thứ tự ưu tiên lần lượt gồm nhóm chống dịch tiền tuyến, nhóm trên 60 tuổi cùng những người mắc bệnh nền và cuối cùng là nhóm dân số trưởng thành chung.
Về phần mình, ông Harry Roque - người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm 25-2 thông báo quốc gia của ông sẽ được bàn giao lô vắc-xin đầu tiên, gồm 600.000 liều từ Sinovac Biotech, vào ngày 28-2 để bắt đầu chương trình tiêm chủng ngay ngày sau đó. Một trong những người đầu tiên được tiêm phòng sẽ là một quan chức tại một bệnh viện bị mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19, ông Roque cho biết thêm.
Bình luận (0)