Một bệnh nhân nhiễm HIV ở thủ đô London - Anh vừa trở thành người thứ hai trên thế giới không còn virus này trong cơ thể sau khi được truyền tủy từ một người hiến tạng có gien đột biến kháng HIV ‘CCR5 delta 32’.
Sau gần 3 năm được truyền tủy và hơn 18 tháng ngưng sử dụng thuốc điều trị HIV, ngay cả những đợt xét nghiệm cực nhạy cũng không phát hiện bất cứ virus HIV nào trong cơ thể bệnh nhân chỉ được tiết lộ là "bệnh nhân London" nói trên. Người này nhiễm HIV vào năm 2003.
"Chúng tôi không phát hiện virus HIV trong cơ thể bệnh nhân" - ông Ravindra Gupta, đồng lãnh đạo nhóm bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, nói. Mặc dù khẳng định bệnh nhân "đã được chữa khỏi về mặt chức năng" và "đã thuyên giảm", ông Gupta nhấn mạnh "vẫn còn quá sớm để kết luận liệu ông ta đã được chữa khỏi hoàn toàn hay chưa".
Trường hợp "bệnh nhân London" cũng giống "bệnh nhân Berlin" Timothy Brown, người nhiễm HIV đầu tiên "được chữa khỏi về mặt chức năng" sau khi trải qua liệu trình chữa trị tương tự ở Đức hồi năm 2007. Đến thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia điều trị HIV, cơ thể của ông Brown vẫn "sạch" HIV.
Chuyên gia Ravindra Gupta làm việc trong phòng thí nghiệm hôm 28-2-2019 Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trường hợp của "bệnh nhân London" là một minh chứng mới cho thấy một ngày nào đó, giới khoa học sẽ tìm ra giải pháp loại bỏ HIV/AIDS, song ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể kết luận đã tìm ra phương pháp chữa khỏi HIV. "HIV có thể đang ẩn náu ở một nơi nào đó trong cơ thể bệnh nhân và sẽ quay lại sau 10 năm. Bạn không thể chắc chắn 100% chúng ta đã tìm ra phương pháp chữa trị HIV" - ông Bruce Walker, Giám đốc Viện Ragon (Mỹ), nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với ông Keith Jerome, từ Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), ngay cả khi mọi thứ chưa chắc chắn, báo cáo mới vẫn có nhiều ý nghĩa vì nó "mang lại hy vọng". "Bây giờ, không chỉ có một mà là 2 nguồn khích lệ đối với các bệnh nhân đang sống chung với HIV" - ông Jerome nói thêm.
Bà Sharon Lewin, chuyên gia của Viện Doherty (Úc), đánh giá trường hợp của "bệnh nhân London" mở ra một hướng đi mới cho công cuộc nghiên cứu chữa trị HIV "Chúng ta chưa chữa được HIV. Tuy nhiên, trường hợp này mang đến hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể loại bỏ virus HIV" - bà Lewin nhận định.
Ông Gupta cho biết nhóm của ông sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu lần này để tìm ra những sách lược chữa trị HIV mới. Theo hầu hết chuyên gia, việc thực hiện phương án "truyền tủy" nói trên cho mọi bệnh nhân HIV là điều "không tưởng" vì nó rất đắt đỏ, phức tạp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Để thực hiện liệu trình này, trước hết phải tìm được nguồn tủy hiến trùng khớp, nằm trong nhóm những người hiếm hoi có gien đột biến kháng virus HIV - phần lớn là người gốc Bắc Âu, theo Reuters.
Trên thế giới, hiện có khoảng 37 triệu người nhiễm HIV và đại dịch AIDS đã cướp đi sinh mạng của khoảng 35 triệu người kể từ khi nó bùng phát vào những năm 1980. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát triển thành công các nhóm thuốc kết hợp có khả năng kiểm soát virus HIV trong cơ thể bệnh nhân.
Bình luận (0)