Trong một cuộc thử nghiệm, các bác sĩ đã phá hủy phần nào tủy xương - nơi tạo ra bạch cầu vốn gây ra tình trạng thải loại – của 5 người được cấy ghép thận của người thân (cha mẹ hay anh chị em ruột). Sau đó, các bác sĩ đã thay thế tủy xương của người nhận bằng tủy xương của người hiến tặng. Bốn trong số 5 bệnh nhân nói trên sau đó không cần dùng đến các loại thuốc chống lại tình trạng thải loại trong 5 năm mà thận của họ vẫn hoạt động bình thường. Bác sĩ David Sachs, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhận định: “Phương pháp này hy vọng sẽ giúp người được cấy ghép cơ quan - nội tạng sẽ không dùng đến các loại thuốc chống thải loại sau này”.
Trong khi đó, theo một công trình nghiên cứu khác đăng trên tạp chí nói trên, các bác sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) cũng ứng dụng một phương pháp điều trị mới để giúp một người đàn ông được cấy ghép thận từ anh trai mình không cần phải dùng thuốc chống thải loại trong 2 năm. Đầu tiên, các bác sĩ dùng phương pháp xạ trị và kháng thể để biến đổi hệ miễn nhiễm của ông ta rồi sau đó cho người đàn ông này nhận tế bào máu của anh mình. Phương pháp điều trị kết hợp này đã tạo ra một loại tế bào miễn nhiễm có khả năng không tấn công các cơ quan được cấy ghép.
Ngoài 2 phương pháp điều trị nói trên, tạp chí New England Journal of Medicine cũng đăng trường hợp bé gái người Úc Demi-Lee Brennan có nhóm máu và hệ miễn nhiễm tự động biến đổi sang loại của người hiến tặng sau khi được cấy ghép gan. Các bác sĩ tại bệnh viện nhi ở Sydney (Úc) cho biết Brennan – hiện 15 tuổi – đã được cấy ghép gan 6 năm trước. Chín tháng sau đó, người ta phát hiện nhóm máu và hệ miễn nhiễm của Brennan chuyển sang loại của người hiến tặng sau khi tế bào gốc từ lá gan mới đi vào trong tủy xương. Các bác sĩ cho biết đây được xem là trường hợp đầu tiên thuộc loại này trong lĩnh vực cấy ghép cơ quan - nội tạng người.
Bình luận (0)