Con người đã can thiệp vào căn bệnh này bằng ngoại khoa hay điều trị bằng các loại thuốc giảm béo. Các biện pháp này chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Tháng 7 vừa qua, tại 3 quốc gia châu Á: Trung Quốc, Nhật và Singapore, ít nhất đã có 8 người thiệt mạng và hàng trăm người phải nhập viện vì nhiễm chất fenfluramine khi sử dụng các loại thuốc giảm béo nhập khẩu từ Trung Quốc. Ðầu tháng 8, các nhà nghiên cứu đã công bố một số phát hiện khoa học có khả năng làm giảm bệnh béo phì an toàn.
Trước hết là việc các nhà khoa học Anh, Mỹ, Úc tuyên bố đã phát hiện và cô lập một loại hormone điều khiển cảm giác no bụng của con người. Hormone peptit YY3 – 36, hay còn gọi là PYY, đã được phát hiện từ thập niên 1980, nhưng khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn chỉ mới được phát hiện gần đây. Cơ chế sản sinh và hoạt động của PYY như sau: Lớp tế bào lót ở thành ruột phản ứng với thức ăn tiết ra PYY, sau đó PYY truyền đến não một thông điệp rằng cơ thể không cần thức ăn nữa. Con người càng ăn nhiều thì cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều PYY. Các nhà khoa học đã chích một lượng PYY tương đương với một lượng sản sinh tự nhiên trong suốt một bữa ăn cho 12 người ở độ tuổi 20, không thuộc nhóm mắc bệnh béo phì, tạo thành một bữa ăn giả. Kết quả cho thấy, lượng thức ăn hấp thụ giảm xuống còn 1/3 so với bình thường. Những người tham gia cuộc thử nghiệm này có cảm giác no, nhưng không phải vì đã ăn quá nhiều hay chán ăn vì bệnh. Tác dụng của hormone còn kéo dài đến 12 giờ đồng hồ sau. Ðặc biệt, sau khi không còn chịu ảnh hưởng của PYY, họ không có chiều hướng ăn thật nhiều để bù lại số calorie đã bị mất. Dù đây chỉ mới là khám phá ban đầu, nhưng khả năng chế tạo một loại thuốc viên giảm béo vô hại là hoàn toàn có thể.
Một phương pháp mới khác nhằm kìm hãm cơn đói và giúp người béo phì giảm cân chính là sử dụng “sốc” điện. Một dụng cụ kích thích được cấy vào dạ dày sẽ làm giảm tốc độ nhu động, do đó cơ của thành ruột sẽ co lại không tiếp nhận thêm thức ăn trong quá trình tiêu hóa. Có nghĩa là người bệnh sẽ có cảm giác thèm ăn trở lại chậm hơn so với bình thường. Ý tưởng này bắt nguồn từ một người Ý, bác sĩ Valerio Cigaina. Công ty Transneuronix, ở bang New Jersey, Mỹ, đã sử dụng nó để sản xuất hàng loạt các thiết bị tạo “sốc” điện này. Ngoài việc làm giảm tốc độ nhu động, thiết bị này còn làm hạn chế lượng thức ăn đi qua bao tử để vào ruột, giúp người bệnh không có cảm giác thèm ăn. Theo điều tra của Công ty Transneuronix, trong vòng hai năm bệnh nhân giảm khoảng 25% khối lượng thừa của cơ thể. Theo giáo sư Ian Campbell, chủ tịch diễn đàn dành cho bệnh béo phì của Anh, thiết bị này có thể không hữu ích lắm đối với những người to béo vừa phải, nhưng rất tiện dụng đối với những người bị bệnh béo phì.
Bình luận (0)