Các nhà lãnh đạo G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) hôm 27-6 bắt đầu đến TP Osaka - Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh thường niên, với các căng thẳng địa chính trị, thương mại và biến đổi khí hậu dự kiến đứng đầu chương trình nghị sự. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang thu hút nhiều quan tâm của dư luận trước khi hội nghị này diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6. Dù vậy, đã xuất hiện những lời kêu gọi G20 quan tâm đến những vấn đề quan trọng khác, như đối phó mối đe dọa của thời tiết cực đoan, cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới, chuẩn bị cho cuộc cách mạng số…
Trước thềm cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 trong ngày 29-6, tờ South China Morning Post tiết lộ 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhất trí tạm đình chiến thương mại trong lúc đàm phán tiếp diễn để tìm giải pháp cho bất đồng này. Dẫn một vài nguồn tin ở Bắc Kinh và Washington, tờ báo cho biết chi tiết về thỏa thuận đình chiến đã được chuẩn bị trong thông cáo báo chí sẽ được công bố sau cuộc gặp nói trên.
Một thỏa thuận như thế sẽ giúp ngăn đợt áp thuế của Mỹ nhằm vào 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng hôm 26-6 nhận định có thể đạt được thỏa thuận thương mại với ông Tập tại cuộc gặp cuối tuần này nhưng không quên cảnh báo sẵn sàng có bước đi trên nếu hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau tại TP Osaka trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 27-6. Ảnh: REUTERS
Trong lúc triển vọng đình chiến thương mại Mỹ - Trung mang đến sự lạc quan cho các nhà đầu tư thì bất đồng về vấn đề biến đổi khí hậu đang đe dọa phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này. Theo hãng tin Reuters hôm 27-6, đại diện các thành viên G20 vẫn đang tranh cãi nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị. Bản dự thảo mới nhất gồm những câu chữ ủng hộ thực thi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, phiên bản trước đó lại không có phần nội dung này do vấp phải sự phản đối của Mỹ - quốc gia rút khỏi thỏa thuận sau khi ông Trump lên nắm quyền. "Các cuộc thương thảo về chủ đề khí hậu sẽ đặc biệt khó khăn lần này" - một quan chức Đức dự báo sau khi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục G20 ủng hộ các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn. Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không chấp nhận ký tuyên bố chung nếu nó không đề cập thỏa thuận trên.
Các vấn đề môi trường dự kiến được thảo luận đáng kể tại G20 lần này, nhất là khi nước chủ nhà Nhật Bản hy vọng đạt được thỏa thuận về giảm rác thải nhựa trên biển. Một vấn đề thu hút nhiều chú ý khác, theo đài BBC, là lập trường của các nhà lãnh đạo G20 về thương mại tự do. Hội nghị G20 tại thủ đô Buenos Aires - Argentina vào năm ngoái ghi nhận lần đầu tiên Tuyên bố chung không có nội dung "chống chủ nghĩa bảo hộ". Theo một số chuyên gia, kịch bản này có thể tái diễn tại hội nghị năm nay dù các nhà lãnh đạo G20 có thể nhất trí về một hình thức ủng hộ thương mại tự do nào đó.
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran cũng có thể là nội dung được quan tâm nhiều tại hội nghị hoặc các cuộc gặp bên lề. Theo một số chuyên gia, Tổng thống Trump sẽ nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh đối với hành động tăng cường trừng phạt Tehran theo sau vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ. Tình hình Iran, Syria, Venezuela và vũ khí hạt nhân dự kiến là những nội dung thảo luận chính khi ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau bên lề Hội nghị G20 trong ngày 28-6.
Bình luận (0)