Nhà báo châu Phi Cherif El Béchir Sow ví von trên nhật báo Le Matin rằng trát lệnh của ICC bắt ông Gaddafi, con trai út và em rể ông là một dạng “bom tấn” chống ông Gaddafi.
Như vậy, sau Nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc mà NATO và Mỹ vi phạm trắng trợn với loạt bom ám sát hụt ông Gaddafi đêm 30-4-2011, các nước phương Tây đã sử dụng ICC như vũ khí mới khiến ông Gaddafi “tiến thoái lưỡng nan”.
Tử thủ
Với trát lệnh của ICC - El Béchir Sow nhấn mạnh - không những ông Gaddafi bị tấn công ở trong nước bởi hai “gọng kềm” NATO và quân nổi dậy (vừa được Pháp công khai tiếp tế vũ khí hiện đại, trong đó có súng chống tăng) mà còn có nguy cơ hầu ICC với tội danh tội phạm chống nhân loại.
Thật vậy, các nước phương Tây đã đẩy ông Gaddafi vào thế buộc phải “tử thủ” bám vào quyền lực vì không còn sự lựa chọn nào khác một khi NATO đòi ông từ chức để rồi sau đó bắt đem ra xử tội!
Điều này đã được bà Aicha, con gái ông Gaddafi, phản ánh trên đài truyền hình Pháp France 2 bên lề hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Phi (AU) lần thứ 17 đang diễn ra tại Malabo, thủ đô nước Guinea Xích đạo: “Cha tôi có thể đi đâu bây giờ ? Libya là đất nước, quê hương và dân tộc của ông. Có một điều mà quý vị không bao giờ hiểu được: Cha tôi là một biểu tượng, một người hướng dẫn”. Ý bà Aicha muốn nói trát lệnh của ICC đã đóng sập mọi cánh cửa trước mặt cha bà.
Tổng thống Sudan Omar al-Bechir cũng đang là đối tượng của ICC. Ảnh: AFP
Trên lý thuyết, đại tá Gaddafi có thể bị bắt bất cứ lúc nào.Tuy nhiên, ICC không có lực lượng thi hành án cho nên hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của các nước thành viên.
Tính đến tháng 6-2011, có 114 nước trên thế giới đăng ký làm thành viên bao gồm tất cả các nước châu Mỹ La tinh, hầu hết các nước châu Âu và gần một nửa các nước châu Phi.
Thiếu uy
Đáng chú ý, trong số các nước không chịu ký Quy chế Rome thành lập ICC, tức không có trách nhiệm gì với ICC, có Mỹ, Israel và Sudan. Libya cũng vậy, do đó không chấp nhận quyền tài phán của ICC mặc dù tòa án này được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấp quyền tài phán ở Libya, chiếu theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trên thực tế, muốn bắt ông Gaddafi, ICC cần sự phản bội của quân đội Libya hoặc nhiệt tình có thừa của lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ, bắt sống ông Gaddafi, Saif al-Islam và Abdallah al-Sanussi rồi giải giao cho ICC. Cả hai trường hợp này đều khó xảy ra trong tương lai gần.
Một mặt nào đó, có thể nói uy lực của ICC không mạnh lắm. Bằng chứng là tổng thống Sudan, Omar al-Bechir, từng bị ICC tống đạt trát lệnh bắt quốc tế hồi tháng 3-2009 và tháng 7-2010 về tội ác chống nhân loại, tội phạm chiến tranh và diệt chủng ở Dafur.
Thế nhưng ông này vẫn tại vị và vẫn ung dung tham dự các hội nghị quốc tế tổ chức ở các nước không công nhận ICC với đa số là các nước Ả Rập và một nửa châu Phi.
Trường hợp của ông Gaddafi cũng tương tự. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sắp bị lật đổ đến nơi. Tiềm lực tài chính của ông rất mạnh. Buộc ông tử thủ đồng nghĩa với kéo dài cuộc chiến đã bắt đầu bị lên án ở nhiều nước.
Chính nghĩa của ông Gaddafi cũng chưa đến nỗi nào trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad tàn sát những người biểu tình chống chính phủ mạnh tay hơn ông Gaddafi nhiều mà các nước phương Tây và cả LHQ đều “bình chân như vại”.
Lối thoát nào cho ông Gaddafi?
Sarah Diffalah, bình luận viên của tờ Le Nouvel Observateur, nhận định trát lệnh của ICC dường như là một thứ vũ khí gây áp lực chính trị buộc ông Gaddafi từ bỏ quyền lực.
Bởi đằng sau hậu trường, các nước phương Tây vẫn mưu tìm một thỏa hiệp cho phép ông Gaddafi tị nạn ở một nước không phải là thành viên của ICC, nếu ông Gaddafi chịu từ chức.
Trụ sở ICC ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Reuters
Trong quá khứ, đã có một trường hợp như vậy. Charles Taylor, cựu tổng thống Liberia (từ ngày 2-8-1997 đến 11-8-2003), bị tòa án đặc biệt của Sierra Leone cáo buộc phạm tội chống nhân loại và tội phạm chiến tranh trong thời kỳ nội chiến.
Sau khi ông từ chức, cộng đồng quốc tế giúp ông tị nạn ở Nigeria vì “lợi ích của các nước mưu tìm sự ổn định và cân bằng tương quan lực lượng trong khu vực”.
Nhận định của nhà báo Diffalah không phải vô cớ. NCT (Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp) đại diện phe nổi dậy đang bí mật thương thuyết với chính quyền Libya.
Bà Aicha đã xác nhận chuyện này hôm 29-6 bên lề Hội nghị Cấp cao AU. Theo bà Aicha, những cuộc thương thuyết trực tiếp và gián tiếp giữa Tripoli và NCT đang diễn ra nhưng bà không cho biết ở đâu.
Trước đó, trong một cuộc trò chuyện với nhật báo Pháp Le Figaro số ra ngày 24-6, ông Mahmoud Shamman, người phát ngôn của NCT, thừa nhận: “Vâng, đã có những cuộc tiếp xúc gián tiếp thông qua trung gian diễn ra ở nhiều nơi khi thì Nam Phi, khi thì Paris - nơi Gaddafi mới cử một đại diện tiếp xúc với chúng tôi”.
Lập trường hiện nay của NCT, theo Shamman là không có chuyện Gaddafi hay bất cứ thành viên nào của dòng họ Gaddafi tham gia chính phủ tương lai. “Ông ấy phải từ chức và rút về một ốc đảo nào đó của Lybia dưới quyền kiểm soát của quốc tế” - Shamman gợi ý.
Bình luận (0)