Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại và giảm còn khoảng 3,6% trong năm 2022 và năm sau.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm 24-6, với việc lạm phát tăng mạnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Mỹ đang đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế. Dù vậy, bà Georgieva cho rằng bất kỳ thiệt hại tạm thời nào do suy thoái gây ra cũng sẽ là "cái giá phải trả" để ngăn đà tăng của lạm phát.
Trong đánh giá thường niên về kinh tế Mỹ ngày 24-6, IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,3% xuống còn 1,7% trong năm 2023, đồng thời cho rằng tốc độ tăng trưởng nước này sẽ chậm lại ở mức 0,8% trong năm 2024.
Vào tháng 10 năm ngoái, tổ chức tài chính này đã dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đạt mức 5,2% trong năm nay nhưng làn sóng dịch Covid-19 do biến thể mới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm chậm quá trình phục hồi. Song song đó, giá nhiên liệu và thực phẩm tăng đột biến do ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine khiến lạm phát Mỹ tăng cao kỷ lục trong 40 năm.
Khách hàng mua sắm ở siêu thị tại TP Los Angeles, bang California - Mỹ trong bối cảnh lạm phát Ảnh: REUTERS
Bà Georgieva nhận định nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái nhưng khó tránh bất ổn ở mức cao. Theo bà, các cú sốc lớn từ cuộc xung đột tại Ukraine cũng như việc Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa để phòng dịch đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
Nhằm ngăn chặn lạm phát, FED tuần trước đã tăng lãi suất 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, lên biên độ từ 1,5% đến 1,75% và báo hiệu lãi suất sẽ tăng lên 3,4% vào cuối năm nay. Theo Reuters, nhận định về động thái của FED, tổng giám đốc IMF cho biết cuộc chiến chống lạm phát là "ưu tiên hàng đầu", bất chấp tác động từ nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tỏ ra lạc quan hơn, ông Nigel Chalk, Phó Giám đốc IMF phụ trách khu vực Tây bán cầu, cho rằng bất kỳ cuộc suy thoái nào tại Mỹ cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhờ dự trữ tiền tiết kiệm, bảng cân đối kinh doanh và hộ gia đình ổn định bên cạnh thị trường lao động mạnh mẽ.
IMF cũng thúc giục Washington loại bỏ các loại thuế nhập khẩu được áp dụng trong 5 năm qua, trong đó có các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm, thép, máy giặt và pin năng lượng mặt trời.
Nhiều nơi đòi tăng lương
Lạm phát kéo theo chi phí thực phẩm và sinh hoạt tăng vọt trong khi tiền lương không theo kịp đà tăng đã làm dấy lên làn sóng phản đối và đình công của người lao động ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo tờ Guardian, tại Anh, cuộc đình công của nhân viên đường sắt lớn nhất 30 năm qua đã bước sang ngày thứ 3 hôm 25-6. Ông Eddie Dempsey, quan chức cấp cao của Nghiệp đoàn Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Anh (RMT), cảnh báo làn sóng đòi tăng lương sẽ còn diễn ra trên các lĩnh vực khác. Trong khi đó, các nghiệp đoàn đường sắt ở Pháp kêu gọi cuộc đình công quy mô lớn vào ngày 6-7 để yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Tuần trước, hàng ngàn tài xế xe tải ở Hàn Quốc đã kết thúc cuộc đình công kéo dài 8 ngày trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Cuộc đình công tương tự cũng diễn ra ở Tây Ban Nha vài tháng trước. Trong tháng 4, chính phủ Peru đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm ngắn hạn sau khi các cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực.
Bình luận (0)