Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dọa sẽ không ủng hộ chương trình cứu trợ Hy Lạp trừ khi các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý giảm nợ thực sự, động thái được xem là thách thức trực tiếp đối với kế hoạch giải cứu đất nước này.
Lời đe dọa trên được đưa ra hôm 14-7, một ngày trước khi quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua thỏa thuận cứu trợ mới mà nước này và các chủ nợ châu Âu vừa đạt được. Ai cũng biết IMF có vai trò quyết định đối với bất cứ gói cứu trợ nào bởi tổ chức này không chỉ cung cấp tài chính mà còn giám sát việc Hy Lạp tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Thế nhưng, quan điểm gay gắt vừa nêu đã tạo ra tình trạng đối đầu giữa IMF với Đức và các chủ nợ khu vực đồng euro (Eurozone) lâu nay vẫn lưỡng lự trong việc giảm thêm nợ cho Hy Lạp.
Giảm nợ là vấn đề gây bất đồng trong các cuộc thương lượng về chương trình cứu trợ Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras biện luận rằng món nợ hơn 300 tỉ euro sẽ là gánh nặng đè lên nền kinh tế đang lao đao nếu các chủ nợ không nương tay. Đồng tình với lý lẽ này, một báo cáo công bố hôm 14-7 của IMF dự báo nợ của Hy Lạp sẽ cao gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 năm nữa. Vì thế, báo cáo đề nghị các chủ nợ xóa bớt cho Athens một phần số nợ khổng lồ hoặc ít nhất cũng không bắt nước này trả trong vòng 30 năm. Cũng theo IMF, thỏa thuận giữa Athens và các nhà lãnh đạo châu Âu không cụ thể lắm, trong lúc một số vấn đề then chốt chưa được đề cập. Một quan chức IMF nhấn mạnh họ cần một giải pháp cụ thể hơn cho cuộc khủng hoảng này.
Theo đài BBC, đánh giá trên của IMF càng khiến ông Tsipras thêm khó khăn trong việc thuyết phục quốc hội bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp cải cách cần thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ mới. Ông Tsipras đang đối mặt cuộc nổi loạn bên trong Đảng Syriza của mình và cuộc đình công của công nhân phản đối các cải tổ khắc nghiệt. Theo kênh Al Jazeera, dự luật khắc khổ trên có thể được thông qua nhờ lá phiếu của các đảng phái đối lập nhưng tương lai chính trị của chính phủ Tsipras sẽ lâm nguy nếu phần lớn nhà lập pháp thuộc Đảng Syriza từ chức hoặc công khai bỏ phiếu chống. Nhiều thành viên trong Đảng Syriza từng nói họ từ chối bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận bởi nó đi ngược lại lời hứa bãi bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã “hành hạ” Hy Lạp trong nhiều năm qua.
Nhiều người dân Hy Lạp cũng bất bình vì họ sẽ phải khổ sở hơn nữa một khi thỏa thuận trên được thông qua. Vì thế, trước thềm cuộc bỏ phiếu, cảnh sát Hy Lạp đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ tấn công vào tòa nhà chính phủ hoặc cơ quan nhà nước. Lực lượng chống khủng bố đã được đặt trong tư thế sẵn sàng đối phó với tình hình căng thẳng có thể leo thang ở trung tâm Athens vào đêm 15-7.
Bình luận (0)