Động thái này diễn ra sau vụ đánh bom tự sát ở nhà thờ Sacred Heart of Jesus (tạm dịch: Trái tim linh thiêng của Chúa Jesus) tại TP Makassar trên đảo Sulawesi ngày 28-3 và vụ nữ sinh viên nổ súng tại trụ sở Cảnh sát quốc gia ở thủ đô Jakarta hôm 31-3.
Tại Indonesia, tín đồ Cơ Đốc giáo là nhóm thiểu số - khoảng 23 triệu người trong tổng dân số 270 triệu - so với 87% dân số là người theo đạo Hồi. Nhiều nhà thờ ở các thành phố lớn nước này, bao gồm Jakarta, đã bị đánh bom vào dịp Giáng sinh năm 2000. Thủ phạm được xác định là nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) - cũng chịu trách nhiệm vụ đánh bom ở Bali năm 2002.
Cảnh sát bảo vệ quanh nhà thờ Sacred Heart of Jesus Cathedral sau vụ đánh bom ngày 28-3 .Ảnh: AL JAZEERA
Đài Al Jazeera (Qatar) dẫn nhiều ý kiến nhận định các vụ tấn công năm nay nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong dịp lễ Phục sinh (ngày 4-4) và tháng lễ Ramadan của Hồi giáo (bắt đầu từ ngày 12-4).
Ngoài sự trợ giúp của cảnh sát địa phương trong các dịp lễ lớn, nhiều nhà thờ ở Indonesia đã tự thuê thêm bảo vệ. Một bảo vệ của nhà thờ Sacred Heart of Jesus tên Cosmas, 51 tuổi, được ca ngợi như anh hùng sau khi cản không cho hai kẻ đánh bom chạy trên xe máy vào sân nhà thờ. Người bảo vệ và 18 người khác bị thương khi bom nổ trong khi 2 kẻ tấn công, được cho là vợ chồng mới cưới được 7 tháng, thiệt mạng.
Cảnh sát Indonesia cho biết 2 kẻ trên là thành viên của mạng lưới Jamaah Ansharut Daulah (JAD), bị Mỹ xem là khủng bố năm 2017 và bị cấm ở Indonesia từ năm 2018. Cũng vào năm 2018, JAD đánh bom tự sát tại 3 nhà thờ ở TP Surabaya, khiến 28 người thiệt mạng. Một cựu thành viên JAD nói với Al Jazeera rằng mạng lưới này là một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bình luận (0)