Chính phủ Indonesia hôm 1-10 kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế nhằm khắc phục hậu quả thảm họa kép động đất và sóng thần tàn phá đảo Sulawesi.
Ưu tiên hàng viện trợ
Ông Tom Lembong, người đứng đầu Ủy ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia, cho hay Tổng thống Joko Widodo cho phép nhận hỗ trợ từ hàng chục cơ quan và tổ chức viện trợ. Theo Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, số người chết trong trận động đất và sóng thần ở đảo Sulawesi ước tính khoảng 844 người và gần 50.000 người phải sơ tán. Tuy nhiên, dựa trên số liệu thu thập được từ bệnh viện địa phương ở TP Palu trên đảo Sulawesi, các tình nguyện viên cho biết số người chết ít nhất khoảng 1.193 người.
Trong khi đó, Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia ước tính số người chết có thể còn cao hơn nhiều khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được các thị trấn như Donggala, tâm chấn của trận động đất, nơi có dân số khoảng 300.000 người và cách TP Palu nửa giờ lái xe về phía Bắc.
Binh sĩ Indonesia bế em bé đi cạnh người mẹ đợi máy bay quân sự tới sơ tán ở Palu, Indonesia Ảnh: REUTERS
Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo từ 3 khu vực ở cách thủ đô Jakarta khoảng 1.500 km về phía Đông Bắc, nơi có tổng dân số lên đến 1,4 triệu người. Thông tin liên lạc vẫn còn hạn chế, hệ thống điện chưa được khôi phục. Chúng tôi chưa thể biết rõ tác hại tại những khu vực này".
Hôm 1-10, khoảng 100 binh sĩ từ TP Makassar ở miền Nam đảo Sulawesi đã được triển khai đến các khu vực ảnh hưởng Palu và Donggala để phối hợp cùng với 1.300 binh sĩ và cảnh sát đang làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ tại đây. Tàu hải quân Indonesia được điều động đưa các binh sĩ này cùng thực phẩm, nước uống và như yếu phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati thông báo chính phủ đã phân bổ hơn 37 triệu USD để giúp khắc phục sau thảm họa.
Trong khi đó, hàng chục người bị cho là đang mắc kẹt trong đống đổ nát của các khách sạn và trung tâm mua sắm ở TP Palu, nơi hứng chịu những cơn sóng cao 6 m theo sau trận động đất mạnh cấp độ 7,5 hôm 28-9. Còn hàng trăm người khác có thể đã bị chôn vùi trong những vụ lở đất "nhấn chìm" các ngôi làng ở khu vực lân cận. Trong bối cảnh hỗn loạn, chính phủ Indonesia cho biết khoảng 1.200 tù nhân đã trốn thoát khỏi 3 nhà tù ở khu vực hứng chịu thảm họa kép. Theo quan chức Bộ Tư pháp Sri Puguh Utami, các tù nhân đã trốn khỏi các trại giam quá tải ở Palu và Donggala.
Chuẩn bị mộ tập thể
Giữa lúc nỗ lực tìm kiếm người mất tích sau trận động đất và sóng thần vẫn tiếp tục, chính quyền Indonesia cho đào mộ tập thể có kích thước 10 m x 100 m ở khu vực Poboya tại TP Palu để chôn cất số nạn nhân dự kiến lên đến 1.300 người. Theo ông Willem Rampangilei, người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, ngôi mộ tập thể này sẽ được mở rộng trong trường hợp cần thiết. Lý giải về động thái này, ông Rampangilei cho rằng quá trình chôn cất phải thực hiện càng nhanh càng tốt vì lý do sức khỏe và tôn giáo.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đang cố gắng hết sức và chạy đua với thời gian để cứu người trong khi các thiết bị hạng nặng đang được triển khai đến khu vực thiệt hại. Các máy bay quân sự và thương mại cũng giúp chuyển hàng viện trợ đến khu vực thảm họa. Phó Tổng thống Indonesia Jusaf Kalla ước tính có khoảng 2,4 triệu người bị ảnh hưởng và ít nhất 17.000 người mất nhà cửa vì thảm họa. Hội Chữ thập đỏ đang cố điều động đội ngũ nấu ăn, phẫu thuật và phòng khám lưu động đến khu vực cần trợ giúp.
Khó khăn không ngừng chồng chất lên nỗ lực cứu hộ khi đất tại một số khu vực có hiện tượng "hóa lỏng". Theo báo Express (Anh), mặt đất ở một số khu vực được quan sát thấy dịch chuyển xung quanh giống như đang chảy và thậm chí còn hình thành những con sóng. Hiện tượng "đất hóa lỏng" xảy ra khi đất bị bão hòa mất đi độ cứng và sự rắn chắc do phải chống chịu với áp lực mạnh như sự rung lắc từ một trận động đất.
Bình luận (0)