Trong cuộc họp video từ thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết 49 ngư dân Indonesia (từ 19-24 tuổi) bị buộc phải làm việc trung bình hơn 18 giờ/ngày trên ít nhất 4 tàu đánh cá Trung Quốc.
Theo bà Marsudi, một số ngư dân Indonesia không được trả tiền công hoặc không nhận đủ tiền như cam kết ban đầu. Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt tồi tệ trên tàu khiến họ đổ bệnh, làm ít nhất 3 người thiệt mạng, sau đó bị thả xác xuống biển.
"Chúng tôi lên án cách đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân của chúng tôi khi họ làm việc cho công ty đánh cá Trung Quốc. Dựa trên thông tin từ các ngư dân, công ty này đã vi phạm nhân quyền" – bà Marsudi cáo buộc.
MBC phát sóng đoạn video cho thấy thi thể của một ngư dân Indonesia bị ném xuống biển từ tàu Trung Quốc. Ảnh: MBC
Nữ bộ trưởng này cho biết thêm gần như tất cả ngư dân từ 4 tàu đánh cá Trung Quốc trở về Indonesia phải kiểm dịch Covid-19 bắt buộc tại một khách sạn ở TP Busan - Hàn Quốc, nơi tàu của họ cập cảng sau 13 tháng lênh đênh trên biển. Bà Marsudi thông báo Jakarta sẽ mở cuộc điều tra chung với Bắc Kinh để đảm bảo công ty kể trên phải đáp ứng quyền lợi của ngư dân Indonesia.
Trước đó, đoạn video quay cảnh "hải táng ngư dân Indonesia" do truyền thông Hàn Quốc đăng tải đã gây phẫn nộ dư luận. Hôm 5-5, một ngư dân Indonesia nói với đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về sự đối xử bất công mà họ nhận được khi làm việc trên các tàu Trung Quốc.
MBC cũng phát sóng đoạn video cho thấy thi thể của một ngư dân Indonesia bị thả xuống biển từ một trong những con tàu đó. Ngư dân (giấu tên) cho hay một số thủy thủ bị bệnh hơn 1 tháng nhưng không được chăm sóc y tế. Mỗi người chỉ nhận được dưới 300 USD/năm mặc dù hợp đồng là 300 USD/tháng.
Bà Marsudi nói rằng chính phủ Trung Quốc đã chú ý tới vụ việc kể trên và sẽ thiết lập một cuộc điều tra chung về cáo buộc chống lại công ty đánh cá Trung Quốc.
Bình luận (0)