Cảnh sát Indonesia ngày 1-7 xác nhận thông tin trên. Đài BBC dẫn lời người phát ngôn Không quân Indonesia, Dwi Badarmanto, cho biết chiếc máy bay C-130B Hercules này gặp nạn khi chở theo 122 người, trong đó có 12 thành viên phi hành đoàn, và không người nào sống sót.
Trong khi đó, đài Al Jazeera cho biết trong số nạn nhân có nhiều binh sĩ và người nhà của họ. Ngoài ra, theo lực lượng cứu hộ địa phương, 3 người trên mặt đất đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này.
Theo quân đội Indonesia, chiếc máy bay trên cất cánh từ một căn cứ không quân ở TP Medan lúc 12 giờ 8 phút (giờ địa phương) để bay đến TP Tanjung Pinang, cũng ở trên đảo Sumatra nhưng rơi xuống 2 phút sau đó.
"Nó bay là là trên đầu vài lần, rất thấp. Đến lần thứ ba thì nó lao vào nóc khách sạn và nổ ngay tức thì" - một nhân chứng tên Elfrida Efi nói với Reuters. Trong khi đó, các nhân chứng khác cho biết máy bay đã nổ ngay trước khi lao xuống một khách sạn nhỏ và các ngôi nhà lân cận. Truyền thông địa phương cho biết trước khi gặp nạn, viên phi công đã yêu cầu quay trở lại vì gặp “vấn đề kỹ thuật” nhưng không kịp.
Quân đội Indonesia đã mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân vụ việc. Trước mắt, theo người phát ngôn Không quân Indonesia Dwi Badarmanto, 8 chiếc C-130B Hercules khác sẽ tạm thời không được phép cất cánh cho đến khi vụ việc được làm rõ. Loại máy bay này bắt đầu được đưa vào sử dụng nửa thế kỷ trước.
Thảm họa nêu trên khiến dư luận càng thêm quan tâm đến vấn đề an toàn hàng không và đội máy bay già cỗi của quân đội Indonesia. “Vẫn còn quá sớm để nói về nguyên nhân thảm họa hôm nay nhưng nó một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về an toàn hàng không ở Indonesia, nhất là khi vụ rơi máy bay QZ8501 (của hãng hàng không AirAsia) chỉ mới xảy ra cách đây nửa năm” - ông Greg Waldron, biên tập viên của trang tin tức và dữ liệu hàng không Flightglobal, nhận định.
Sau khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thông báo kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quân sự lên 15 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, vụ tai nạn mới nhất này có thể khiến ông Widodo gặp thêm sức ép trong việc chi nhiều tiền hơn nữa để hiện đại hóa lực lượng không quân.
“Vụ việc cho thấy chúng ta phải thay mới máy bay và thiết bị quân sự… Quốc hội sẽ ủng hộ việc cấp thêm ngân sách cho quân đội để họ có thể nâng cấp chúng” - nghị sĩ Pramono Anung nói với hãng tin Reuters.
Đây là lần thứ hai trong vòng 10 năm qua, một chiếc máy bay đâm xuống khu dân cư ở TP Medan. Hồi tháng 9-2005, một máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Mandala Airlines cũng rơi xuống một khu dân cư đông đúc tại địa phương này không lâu sau khi cất cánh, cướp đi mạng sống của 143 người, trong đó có 30 người trên mặt đất.
Bình luận (0)