Giới chức Indonesia xác nhận 281 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương (tính đến sáng 24-12) sau khi sóng thần tấn công bờ biển quanh eo biển Sunda, sau đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau. Theo AP mới đây đưa tin, thương vong có thể gia tăng do 57 người vẫn đang mất tích.
Chuyên gia núi lửa Teresa Ubide, đến từ trường ĐH Queensland (Úc), cho biết núi lửa Anak Krakatau đã phun trào trong vài tháng qua.
"Dường như núi lửa Anak Krakatau đang hoạt động mạnh vào thời điểm hiện tại và điều này có thể xảy ra một lần nữa" – bà Teresa chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng rất khó để dự đoán thời điểm xảy ra các đợt sóng thần tiếp theo để đưa ra cảnh báo kịp thời.
"Núi lửa rất gần với bờ biển nên không có nhiều thời gian để cảnh báo mọi người vì nó quá gần trong khi sóng thần có thể có thể di chuyển rất nhanh" – bà Teresa nói.
Cảnh tượng tan hoang tại quận Rajabasa, South Lampung - Indonesia, sau trận sóng thần tối 22-12. Ảnh: Reuters
Ông Richard Teeuw, đến từ trường ĐH Portsmouth (Anh), cũng cảnh báo "khả năng sóng thần tái diễn ở eo biển Sunda là rất cao vì núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn hoạt động mạnh".
Theo ông Teeuw, cần tiến hành các cuộc khảo sát thủy âm (sonar) để xem xét đáy biển xung quanh núi lửa Anak Krakatoa nhưng điều này "thường tốn nhiều tháng trời".
Nói về trận sóng thần tối 22-12 ở Indonesia, nhiều chuyên gia cho biết nó chết chóc vì diễn ra "quá nhanh và đột ngột".
Ảnh chụp núi lửa Anak Krakatoa phun trào hôm 23-12. Ảnh:Reuters
Theo các chuyên gia, hầu hết sóng thần xảy ra theo sau các hoạt động địa chấn (như động đất) – vốn là những tín hiệu cảnh báo sóng thần. Trong khi đó, trận sóng thần mới hôm 22-12 ở Indonesia xảy ra mà hầu như không phát ra những tín hiệu này.
"Đây không phải là sóng thần bình thường. Đây là sóng thần núi lửa… nó không gia tăng mức độ cảnh báo. Vì thế, các Trung tâm Cảnh báo Sóng thần dường như là vô ích" – ông Costas Synolakis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sóng thần của trường ĐH Nam Carolina (Mỹ), chia sẻ.
Vì núi lửa Anak Krakatau quá gần bờ biển, đợt sóng thần hôm 22-12 dường như ập đến 20-30 phút theo sau một vài hoạt động núi lửa - ông Synolakis nói thêm. Theo Reuters, các đợt sóng ập vào bờ đêm 22-12 cao khoảng 2-3 m.
227 người thiệt mạng, hơn 1.100 người bị thương và 28 người mất tích sau trận sóng thần hôm 22-12. Ảnh: Reuters
Bên cạnh vị trí núi lửa và đặc tính sóng thần thì thời điểm cũng là một yếu tố khiến thương vong gia tăng. "Thật tồi tệ khi nó xảy ra vào ban đêm…và chẳng khác gì châm dầu vào lửa, nó xảy ra trong đợt thủy triều cao" – ông Emile Okal, đến từ trường ĐH Northwestern (Mỹ), giải thích.
Hình ảnh vệ tinh đầu tiên sau thảm họa cho thấy sườn phía Tây Tây Nam của núi lửa bị sập. Như vậy, có thể hàng triệu tấn đá đã đổ xuống biển, gây ra những đợt sóng cao đánh vào mọi hướng.
Theo ông Okal, để phát hiện sóng thần chuẩn xác, Indonesia cần chi khoảng 1 tỉ USD nâng cấp công nghệ và cần triển khai nhân lực 24/7 dọc bờ biển của họ. Tuy nhiên, hai yếu tố này cũng không đảm bảo sẽ luôn cảnh báo được sóng thần kịp thời.
Một sườn của núi lửa ập xuống biển, tạo ra sóng thần đánh đi mọi hướng. Đồ họa: BBC
Theo AP, đến tối 23-12, nỗ lực tìm kiếm và cứu trợ vẫn tiếp tục nhưng lực lượng cứu hộ và xe cấp cứu chưa thể đến được một số khu vực do đường sá bị đống đổ nát chặn.
Lực lượng cứu hộ phải dùng tay không và một số máy móc hạn nặng để dọn đống đổ nát hôm 24-12. Hơn 3.000 cư dân ven biển bị buộc phải sơ tán lên vùng đất cao trong thời gian này vì cảnh báo thủy triều cao còn tiếp diễn tới ngày 25-12.
Ở một diễn biến khác, theo The Sun đưa tin ngày 23-12, chưa đầy 24 giờ sau đợt sóng thần hôm 22-12, một trận động đất mạnh cấp độ 5,0 đã xảy ra 23 km ngoài khơi đảo Tiku - Indonesia, với tâm chấn ở độ sâu 97,1 km.
Lực lượng cứu hộ tại quận Rajabasa tại South Lampung. Ảnh: Reuters
Giới chức Indonesia xác nhận 281 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương (tính đến sáng 24-12).
Bình luận (0)