Trước đó, các tổ chức nhân quyền cho rằng thủy thủ người Indonesia bị ngược đãi và lạm dụng. Theo Reuters, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội quay cảnh một nhóm đàn ông cầu nguyện xung quanh một chiếc túi đựng xác màu cam trước khi nó bị ném xuống biển. Các thủy thủ Trung Quốc tổ chức một đám tang đơn giản bằng cách thắp nhang và rót rượu.
Trong đoạn video do đài MBC đăng tải lần đầu tiên hôm 6-5, con tàu được nhìn thấy treo cờ Trung Quốc. MBC tiết lộ đoạn video do một thủy thủ còn sống cung cấp cho chính phủ Hàn Quốc để nhờ giúp đỡ khi tàu đi qua cảng Busan.
Thi thể bị ném xuống biển là của Adi, 24 tuổi, một thủy thủ người Indonesia chết sau khi làm việc trên tàu hơn 1 năm
"Thi thể bị ném xuống biển là của Adi, 24 tuổi, một thủy thủ người Indonesia chết sau khi làm việc trên tàu hơn 1 năm" - MBC đưa tin. Trước Ari, có 2 thi thể thủy thủ Indonesia cũng bị ném xuống biển là Alfata (19 tuổi) và Sepri (24 tuổi).
Tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna - Indonesia. Ảnh: Monggabay
Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta không đưa ra bình luận. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nói 3 thủy thủ Indonesia đã chết trên các tàu cá treo cờ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, thi thể của họ được thả xuống biển.
Trong đó, 1 người được chôn vào ngày 31-3-2019, 2 người còn lại được chôn vào tháng 12-2019. Ngoài ra, 1 thủy thủ Indonesia khác tử vong do viêm phổi tại bệnh viện ở cảng Busan của Hàn Quốc.
Bà Marsudi đã hỏi Đại sứ Tiêu Thiên rằng các thủy thủ Indonesia có được chôn cất theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng như nguyên nhân họ tử vong có liên quan tới điều kiện sinh hoạt và làm việc trên tàu hay không.
Tổ chức Tư pháp Môi trường (EJF, trụ sở tại Anh), tuyên bố một số thủy thủ phải làm việc 18 giờ/ngày, nhận ít hơn 1 USD/ngày trong khi những người bị bệnh không được đưa lên bờ điều trị kịp thời. EJF kêu gọi Trung Quốc và quốc tế điều tra hành vi của các tàu cá nói trên.
Theo một thủy thủ Indonesia khác, phần lớn thủy thủ Trung Quốc uống nước đóng chai mua trên đất liền, còn thủy thủ Indonesia buộc phải uống nước biển không lọc. "Lần đầu tiên tôi uống nước biển không lọc. Tôi bị chóng mặt, sau đó ho ra chất nhầy từ cổ họng" – người này kể.
Bình luận (0)