Phát ngôn viên cơ quan di trú Agung Sampurno cho biết 121 người Trung Quốc và 22 người Đài Loan đã bị chuyển cho cảnh sát Trung Quốc và rời khỏi sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta trên hai chuyến bay.
Những người này bị truy nã vì cáo buộc mạo danh cảnh sát để lừa đảo các doanh nhân và chính trị gia hàng trăm triệu USD.
Indonesia trục xuất hơn 140 người Trung Quốc và Đài Loan đến đại lục. Ảnh: AP
Ông Sampurno cho hay: "Họ là một phần của nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Những người này sang Indonesia dưới hình thức du lịch".
Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ số nghi phạm trên, hầu hết là nam giới, trong một cuộc đột kích vào cuối tuần qua tại Jakarta, Surabaya và đảo Bali.
Hai nghi phạm bị trúng đạn ở chân khi cố trốn thoát. Các vụ bắt giữ diễn ra theo lời đề nghị của cảnh sát Trung Quốc.
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia Rikwanto cho hay những kẻ lừa đảo đã hoạt động tại Indonesia từ cuối năm ngoái để tránh bị theo dõi tại quê nhà và kiếm được khoảng 450 triệu USD từ các vụ lừa đảo.
Theo người phát ngôn này, một số công dân Indonesia giúp sắp xếp việc đi lại và ăn ở cho các nghi phạm cũng bị bắt tại Bali.
Tuy nhiên, không có công dân Indonesia nào là nạn nhân trong vụ lừa đảo.
Hồi năm 2015, chính quyền Indonesia bắt giữ và trục xuất hơn 400 công dân Đài Loan và Trung Quốc vì liên quan đến hành vi nói trên.
Các nghi phạm được hộ tống lên xe buýt. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, cảnh sát Campuchia cũng đã bắt giữ 200 công dân Trung Quốc bị tình nghi lừa đảo, tống tiền qua mạng.
Đây là vụ bắt giữ lớn nhất liên quan đến hành vi gian lận bằng cách sử dụng công nghệ truyền giọng nói trên giao thức IP (VoIP) ở Campuchia.
Các nghi phạm nói trên bị bắt tại hai nhà trọ ở TP Poipet, tỉnh Banteay Meanchey hôm 2-8.
32 người trong số các nghi phạm bị bắt là phụ nữ. Những nghi phạm này bị cáo dụ dỗ nạn nhân nữ gửi ảnh khỏa thân cho họ trước khi tống tiền
Những kẻ lừa đảo ở Campuchia được cho là có liên quan tới 31 người Trung Quốc bị bắt hồi tháng trước tại thủ đô Phnom Penh vì cáo buộc tống tiền.
Ông Khun Sambo, Phó Cục trưởng Cục nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Campuchia, cho biết hai máy tính xách tay, hơn 100 điện thoại bàn và các thiết bị khác bị tịch thu trong các cuộc đột kích.
Đa số người bị bắt không có hộ chiếu.
Theo báo Cambodia Daily, các cơ quan chức năng Campuchia đang điều tra cách thức các nghi phạm vào nước này mà không có giấy tờ hợp lệ và ai là người tuyển dụng họ và đứng sau hoạt động phạm pháp nói trên.
Ông Sambo nghi ngờ những kẻ lừa đảo này đã hoạt động ở Campuchia trong vài tháng.
Bình luận (0)