Bộ trưởng năng lượng Iran Majid Namjou nói trên nhật báo Kayhan: “Ngân hàng trung ương Iran đã từ chối gói tài chính do Trung Quốc đề xuất, và Bộ Năng lượng quyết định trao hợp đồng cho Khatam al-Anbiya, cơ quan phụ trách công nghiệp của Lực lượng Vệ binh cách mạng”.
Dự án nói trên bao gồm nhà máy và đập thủy điện Bakhtiari với công suất 1.500 megawatt ở tây nam Iran, được xem là nhà máy thủy điện lớn nhất nước này.
Một dự án thủy điện tại tỉnh Bakhtiari của Iran. Ảnh: MEHR
Có thể xem đây là một bước lùi trong quan hệ kinh tế thân thiết giữa Trung Quốc và Iran. Iran đã tăng cường làm ăn với Trung Quốc để phá thế bị cô lập do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, trong đó có biện pháp giao dịch trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ trong mua bán dầu. Tuy nhiên, Iran cũng đánh tiếng sẽ không giảm giá hay khuyến mãi đối với giá dầu, đồng thời thường than phiền các nhà đầu tư Trung Quốc làm ăn chậm chạp.
Về dự án thủy điện Bakhtiari, tờ Etemaad của Iran chỉ trích các công ty Trung Quốc “phá rối và trì hoãn”, đồng thời quy kết Trung Quốc trở thành “đối tác nước ngoài không đáng tin cậy nhất ở Iran”.
Trước đó, Tehran đã hủy bỏ một số dự án lớn với Bắc Kinh. Cụ thể, tháng 10-2011, Iran “tạm ngưng” thỏa thuận khai thác mỏ khí đốt Bắc Pars ở vùng Vịnh trị giá 15 tỉ USD với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc với lý do phía Trung Quốc trì hoãn đầu tư nhiều năm nay.
Chuyên gia phương Tây ở Tehran ước tính các công ty Trung Quốc mới đầu tư chưa tới 10% trong số vốn 50 tỉ USD mà họ cam kết rót vào nhiều dự án ở Iran, hầu hết là trong lĩnh vực dầu khí, trong vòng 5 năm.
Nhiều hợp đồng bị các công ty phương Tây bỏ dở ở Iran vì các lệnh cấm vận đã được giao lại cho Khatam al-Anbiya, đơn vị phụ trách hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Iran như đường xá, cầu, các đập thủy điện, cảng và đường ống… Theo công bố năm 2001, công ty này sở hữu các hợp đồng trị giá hơn 25 tỉ USD trong ngành dầu khí Iran.
Bình luận (0)