Tên lửa này được cho là sử dụng công nghệ lượn siêu thanh hiếm có, được giới thiệu tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Ashura ở thủ đô Tehran, trong một cuộc triển lãm về những tiến bộ công nghệ hàng không vũ trụ. Theo hãng tin IRNA, tên lửa có là tên Fattah-2 được trang bị đầu đạn lượn siêu thanh.
Truyền thông Iran đưa tin nước này đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sử dụng công nghệ như vậy. Phương tiện lượn siêu thanh, hay HGV, là một loại đầu đạn cơ động và lượn ở tốc độ siêu thanh.
Nó thường được gắn trên tên lửa đạn đạo và có thể thay đổi đáng kể quỹ đạo bay sau khi phóng, giúp nó thoát được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Đầu đạn đạn đạo truyền thống di chuyển theo quỹ đạo vòng cung dễ dự đoán hơn.
Tên lửa có là tên Fattah-2 được trang bị đầu đạn lượn siêu thanh. Ảnh: Mehr
Cho đến nay, rất ít quốc gia có tên lửa HGV hoạt động. Một trong số đó là Nga, nước sở hữu phương tiện bay siêu thanh Avangard gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa giống như Sarmat. Sarmat là hệ thống tên lửa đặt trong hầm phóng hiện đại.
HGV của Nga có khả năng bay nhanh hơn từ 20 đến 27 lần so với tốc độ âm thanh hoặc từ 24.000/giờ đến 33.000 km/giờ và có sức nổ lên tới 2 megaton, lớn hơn 100 lần so với vụ nổ do quả bom hạt nhân của Mỹ thả xuống TP Hiroshima - Nhật Bản tạo ra.
Vào năm 2019, Trung Quốc chính thức đưa phương tiện lượn siêu thanh DF-ZF HGV vào biên chế. Được gắn trên tên lửa đạn đạo tầm trung cơ động, đầu đạn lượn siêu thanh của Trung Quốc có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 10 lần hoặc đạt tốc độ 12.360 km/giờ và có thể mang theo điện tích hạt nhân.
Iran trình làng tên lửa siêu thanh hiếm thấy
Mỹ dự kiến đưa Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) Dark Eagle vào hoạt động hồi tháng 9 vừa qua, song việc triển khai bị trì hoãn do một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với phương tiện lượn của nó bị hủy bỏ. Theo các phương tiện truyền thông, hệ thống vũ khí này dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Trong diễn biến khác, Triều Tiên hôm 20-11 lên án khả năng Mỹ bán tên lửa cho Nhật Bản và Hàn Quốc, gọi đây là hành động nguy hiểm, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ tăng cường các biện pháp nhằm thiết lập khả năng răn đe và ứng phó với tình trạng bất ổn trong khu vực mà họ cho là do Mỹ và các đồng minh gây ra.
Theo Reuters, Nhật Bản có kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk từ Mỹ, một phần trong kế hoạch tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Lầu Năm Góc hôm 18-11 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ tiềm năng trị giá 2,35 tỉ USD này.
Mỹ gần đây cũng công bố phê duyệt việc bán tên lửa Sidewinder và Tên lửa tiêu chuẩn 6 cho Hàn Quốc. Tuyên bố của Triều Tiên nêu rõ: "Chúng tôi cảnh báo Mỹ càng thu được nhiều lợi nhuận từ việc bán vũ khí bừa bãi thì họ sẽ càng phải trả giá đắt hơn cho cuộc khủng hoảng an ninh".
Bình luận (0)