Nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran không phải quá xa vời khi vây quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện là những nhân vật diều hâu từng công khai kêu gọi ném bom và thay đổi chế độ ở Iran, như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Từ Iraq đến Iran?
Cảnh báo được đưa ra trong báo cáo mới của Hội đồng Quốc gia người Mỹ gốc Iran (NIAC) giữa lúc Washington đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran và nối lại trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Một số thành viên cấp cao của chính quyền ông Trump bày tỏ khao khát hủy bỏ thỏa thuận trên, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và làm lụn bại nền kinh tế Iran.
"Bản thân ông Trump thường bêu riếu quyết định xâm lược Iraq năm 2003 nhưng xung quanh ông lại là những nhân vật diều hâu muốn Iran cùng chung số phận như vậy" - NIAC khẳng định. Bên ngoài nước Mỹ, theo trang The Independent (Anh), Israel và Ả Rập Saudi từ lâu thúc giục Washington có hành động quân sự chống lại Iran. Chính 2 quốc gia này đã thành công trong việc vận động ông Trump nói không với JCPOA - được ký kết giữa Iran và các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc.
Báo cáo trên nhắc lại chuyện các chính quyền Mỹ trước đây liên tục đối mặt lời kêu gọi không kích Iran từ phía Israel và khối Ả Rập theo dòng Sunni. Ông John Kerry, ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, kể rằng các nhà lãnh đạo ông gặp trong khu vực đều thúc giục "ném bom Iran" để ngăn nước này có vũ khí hạt nhân.
Dưới thời chính quyền ông Trump, một số quan chức cao cấp từng phản đối chuyện rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đều đã ra đi, như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và cựu Cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster. Một nhân vật ôn hòa khác, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, vừa có động thái tương tự.
Vì thế, theo NIAC, nỗi lo lúc này là Washington có thể tìm cách khiêu khích Tehran rời thỏa thuận hạt nhân để các nhân vật diều hâu có cớ tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn cái gọi là tham vọng hạt nhân của Iran.
Trực thăng quân sự Mỹ bay phía trên một nhóm tàu tuần tra Iran ở vịnh Ba Tư hôm 21-12 Ảnh: AP
Vịnh Ba Tư nóng lên
Khi đó, họ có thể dựa vào báo cáo vừa được công bố gần đây, theo đó Tehran đã có kế hoạch bí mật để chế tạo ít nhất 5 vũ khí hạt nhân từ hồi năm 2003 và xây dựng hạ tầng phức tạp phục vụ mục tiêu này. Các tác giả báo cáo là Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ và Viện Khoa học và An ninh quốc tế (đều đặt trụ sở ở Mỹ). Theo trang Washington Free Beacon (Mỹ), báo cáo này được dựa trên các tài liệu hạt nhân mật của Iran do Israel thu thập và được công bố lần đầu tiên trong năm nay.
Những nhân vật cứng rắn với Iran tại Đồi Capitol cho rằng báo cáo trên chứng tỏ chính quyền ông Obama đã giảm nhẹ hoạt động hạt nhân của Iran để tìm kiếm sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran. Không những thế, các nghị sĩ đang sử dụng tiết lộ chưa được kiểm chứng này để thúc đẩy chính quyền Tổng thống Trump tăng cường trừng phạt kinh tế Iran, như cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và sự tiếp cận của Iran đối với các thị trường tài chính quốc tế.
Một động thái như thế, nếu có, chắc chắn sẽ đẩy 2 nước đến gần hơn nguy cơ xung đột. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 12-12 cảnh báo người dân rằng Mỹ sẽ triển khai nhiều sư đoàn và có thể tiến hành âm mưu chống Iran trong năm 2019. Đến ngày 22-12, lực lượng trên bộ của Vệ binh Cách mạng Iran tập trận gần eo biển Hormuz chiến lược với sự tham gia của máy bay không người lái và trực thăng chiến đấu.
Đáng chú ý, cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ tiến vào vịnh Ba Tư. 30 tàu Iran bám đuôi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và một máy bay không người lái được sử dụng để quay phim nhóm tàu này. Theo AP, một tên lửa được phóng từ tàu sân bay Mỹ trong động thái phô trương sức mạnh.
Là tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng, eo biển Hormuz từng chứng kiến một số vụ đối đầu giữa hải quân Iran và Mỹ thời gian qua. Tạp chí The National Interest đặt câu hỏi: Nếu nổ ra xung đột, liệu Iran có hỏa lực để đánh chìm tàu sân bay Mỹ hay không?
Giới chuyên gia và nhà quan sát bên ngoài tin rằng Iran lâu nay vẫn suy nghĩ nhiều về chuyện đánh bại tàu sân bay Mỹ. Hồi tháng 1-2015, Đô đốc Ali Fadavi của Lực lượng Hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) tuyên bố họ có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ trong chiến tranh. Một tháng sau, trong cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, Iran đã dựng một tàu sân bay giả và tấn công nó bằng tên lửa đối hạm, ngư lôi và cuộc đột kích giả định của biệt kích - lực lượng này nhảy xuống từ trực thăng và tấn công siêu cấu trúc của tàu sân bay.
Dù vậy, có nhiều lý do để nghi ngờ lời quả quyết của Đô đốc Fadavi cho đến giờ. Một là tầm hoạt động và hỏa lực của các lực lượng Iran kém hơn nhiều so với các lực lượng Mỹ, đặc biệt là trên các tàu sân bay. Tên lửa hành trình chống hạm Ghader của Tehran có tầm hoạt động xa nhất - 300 km - nhưng vẫn chưa bằng phân nửa chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ.
Trong khi đó, Iran hiện không có nhiều tên lửa, nếu không muốn nói là không có quả nào đủ mạnh để có thể gây hư hại đáng kể tàu sân bay Mỹ. Những thách thức khác là Tehran hầu như không có cơ hội ra tay trong lúc khả năng phòng vệ và sức mạnh tấn công của lực lượng Mỹ hiện vẫn vượt trội.
Dù vậy, tạp chí The National Interest cảnh báo bất kỳ đột phá nào trong năng lực quân sự của Iran, như tên lửa đạn đạo chống hạm hoặc vũ khí hạt nhân, đều có thể cho phép nước này nhanh chóng bắt kịp và thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ. Iran chưa có khả năng đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Mỹ nhưng đó không phải là một ưu thế tồn tại mãi.
Bình luận (0)