Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang bắt tay với các mạng lưới buôn người để đưa các tay súng nước ngoài đến Indonesia qua ngả Malaysia, theo đài ABC (Úc) hôm 22-9.
Mối đe dọa nghiêm trọng
Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, ông Saud Usman Nasution, xác nhận phiến quân IS đã vào nước này từ đảo Sumatra - Malaysia, sau đó đến thị trấn Poso ở đảo Sulawesi, nơi nghi có căn cứ huấn luyện các tay súng IS. Thêm vào đó, ông thừa nhận nhà chức trách đang trông chừng sát sao nhiều khu vực khác ở Indonesia, trong đó có hòn đảo Lombok - điểm nghỉ mát đang ngày càng được ưa thích.
“Chúng tôi nhận thấy một số tay súng khủng bố từ nước ngoài đến Indonesia. Trước hết, bọn chúng rời Malaysia để hướng đến TP Pekanbaru (đảo Sumatra) và Puncak (tỉnh Tây Java) dưới sự hỗ trợ của các mạng lưới buôn người. Tại Puncak, mạng lưới của IS sẽ đưa bọn họ đến Makassar và Poso. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác nhiều hơn nữa vì có thông tin nhiều tay súng khủng bố nước ngoài ở Malaysia đang được IS điều động nhưng không rõ điểm đến” - đài ABC trích dẫn lời ông Saud.
Ông Saud nhận định Indonesia đang đối mặt với mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng từ IS. Theo ông, hiện ở Indonesia có nhiều nhóm cực đoan, khủng bố sẽ ra tay trả thù cho điều mà bọn họ xem là tình trạng đối xử bất công của phương Tây đối với người Hồi giáo. Quan chức này nói thêm 76 công dân Indonesia tham gia chiến đấu ở Syria đã trở về nước. Trước đó, 52 công dân nước này đã tử vong ở Syria và 4 người tham gia đánh bom tự sát. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu công dân Indonesia đến Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của IS.
Hàng ngàn chiến binh nước ngoài chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Syria và Iraq Ảnh: DAILY MAIL
Vỡ mộng
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở London - Anh cho biết ít nhất 58 người (51 đàn ông và 7 phụ nữ thuộc 17 quốc gia) rời bỏ IS từ tháng 1-2014 đã công khai phá vỡ hình ảnh tự tô vẽ của tổ chức cực đoan này về một xã hội thánh chiến không tưởng. Căn cứ vào báo cáo của các nhà nghiên cứu, số người rời bỏ hàng ngũ IS đang ngày càng tăng lên: gần 60% trong số 58 trường hợp nêu trên bỏ chạy trong 8 tháng đầu năm 2015.
Theo hãng tin AP, một số người thú nhận họ bỏ chạy vì thất vọng về chất lượng cuộc sống tại những lãnh thổ do IS kiểm soát. Họ cũng vỡ mộng vì lời hứa hẹn được sử dụng những hàng hóa và xe cộ sang trọng - yếu tố kích thích họ gia nhập IS - đã không trở thành hiện thực. Nhiều người còn phẫn nộ về sự tàn bạo của các tay súng IS hoặc quan ngại sâu sắc về chiến lược và chiến thuật của tổ chức này. Họ cho rằng trải nghiệm chiến đấu trong hàng ngũ IS đã không đáp ứng được sự mong đợi của họ về hành động anh hùng của người chiến binh.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người trốn chạy sau khi gia nhập IS đã trở thành nạn nhân của tổ chức bạo lực và chuyên chế nhất thời đại này. Câu chuyện của họ có thể được sử dụng làm công cụ có tiềm lực mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại IS.
Thế nhưng, theo hãng tin UPI, trong khi dư luận thế giới quan tâm nhiều đến IS, Bộ Chỉ huy Trung tâm các chiến dịch đặc biệt ở TP Tampa, bang Floria - Mỹ công bố bản báo cáo khẳng định Al-Qaeda hiện vẫn nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong chủ nghĩa quá khích Hồi giáo, mặc dù số lượng chiến binh của họ ít hơn IS. Theo báo cáo, cả IS lẫn Al-Qaeda đều tiến hành hoạt động quân sự chống phương Tây và đang gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Tuy nhiên, cả hai đều đang chịu sức ép cạnh tranh nhau về tính hợp pháp về chính trị ở địa phương.
Bình luận (0)