Thông tin trên báo chí thế giới thời gian qua chứng tỏ các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không hề thoái lui bất chấp những trận mưa bom mà trái lại, dường như chúng mỗi lúc một lộng hành hơn. Các nhà phân tích nhận định có nhiều nguyên nhân khiến IS hùng mạnh hơn, trong đó nổi bật là chính sách của Mỹ.
Giúp Iraq, không giúp Syria
Chính sách của người Mỹ ở Iraq và Syria có những chi tiết khác thường nhưng điều đáng ngạc nhiên là chúng ít được chú ý. Ở Iraq, Mỹ ráo riết thực hiện các cuộc không kích cũng như cử cố vấn và chuyên viên huấn luyện đến giúp quân đội nước này ngăn chặn bước tiến của IS. Trong khi đó, chính sách của Washington và các đồng minh lại trùng hợp với đường hướng của IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria - đó là lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
IS đã chiếm được khoảng 1/3 lãnh thổ Syria - bao gồm hầu hết các cơ sở sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Theo báo The Nation, nếu ông Assad ra đi, IS sẽ hưởng lợi vì từ đó, nhóm khủng bố này cũng sẽ đánh bại hoặc khuất phục được phe đối lập vũ trang còn lại.
Ngoài ra, Washington và đồng minh còn cho rằng ở Syria đang tồn tại phe đối lập ôn hòa nhưng yếu ớt. Do đó, lực lượng duy nhất lúc này có thể ngăn chặn một vương quốc Hồi giáo xuất hiện và trải dài từ biên giới Iran đến Địa Trung Hải là quân đội Syria. Thế nhưng, thực ra, chính sách của Mỹ là hỗ trợ chính phủ Iraq chống IS mà không giúp Syria.
Công bằng mà nói, IS đã có thể mạnh lên ở Iraq còn bởi các phần tử cực đoan này nhiều khả năng thu hút nguồn tài nguyên và các chiến binh ở Syria. Khi Mỹ thực hiện những chính sách trái ngược nhau ở 2 quốc gia này, IS có thể tăng thêm quân số ở Iraq nhờ vào số chiến binh từ Syria và ngược lại. Đến nay, Washington đã trốn tránh được lời buộc tội liên quan đến sự kiện IS trỗi dậy khi đổ tất cả lỗi lầm lên chính phủ Iraq. Báo The Nation khẳng định chính Mỹ đã tạo ra tình huống để IS có thể tồn tại và mạnh lên.
Mãi đến gần đây, các chính khách và giới truyền thông mới thừa nhận hiện tượng các tổ chức thánh chiến phát triển mạnh mẽ ở Syria và Iraq. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều chính phủ và lực lượng an ninh phương Tây chỉ xác định mối đe dọa thánh chiến khi các tổ chức nổi dậy được Al-Qaeda điều khiển trực tiếp. Điều đó đã khiến họ đưa ra một bức tranh lạc quan hơn nhiều so với tình hình thực tế về các thành tích của mình trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chỉ chú tâm đến Al-Qaeda
Người Mỹ dường như thật ngây thơ và tự dối mình khi cho rằng chỉ các chiến binh thánh chiến được Al-Qaeda ủng hộ mới đáng lo ngại. Chẳng phải IS đã từng bị chính thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri chỉ trích vì tính chất bạo lực và giáo phái thái quá hay sao?
Sau khi gặp gỡ một số phiến quân thánh chiến Syria không liên can trực tiếp với Al-Qaeda hồi đầu năm nay, một nguồn tin nhấn mạnh tất cả phần tử nổi dậy, không hề có ngoại lệ, đều nhiệt tình với các vụ tấn công khủng bố và đều mong một vụ tương tự ngày 11-9-2001 sẽ lại xảy ra ở châu Âu cũng như ở Mỹ. Trong khi đó, các nhóm thánh chiến gần gũi với Al-Qaeda về ý thức hệ đều được Mỹ dán nhãn “ôn hòa” nếu như hành động của chúng được đánh giá là ủng hộ các mục tiêu trong chính sách của Washington.
Ở Syria, Lữ đoàn Yarmouk hùng mạnh được xem là “ôn hòa” thường xuyên hợp đồng tác chiến với JAN, chi nhánh chính thức của Al-Qaeda. Hai nhóm này chia sẻ đạn dược cho nhau nên vô tình, vũ khí tiên tiến của Mỹ đã lọt vào tay kẻ thù có nợ máu nhất đối với Washington. Các giới chức Iraq xác nhận họ đã tịch thu được nhiều vũ khí tinh vi từ tay phiến quân IS ở Iraq vốn do các thế lực bên ngoài chống Al-Qaeda cung cấp.
Khi xác định kẻ thù, người ta luôn luôn nêu tên Al-Qaeda. Năm 2011, các chính phủ phương Tây đã phủ nhận rằng phe nổi dậy, vốn được NATO hậu thuẫn, chiến đấu để lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không hề có bất kỳ sự tương tự nào như Al-Qaeda. Chỉ những chiến binh thánh chiến có mối liên hệ trực tiếp với Al-Qaeda “nòng cốt” của Osama Bin Laden mới được đánh giá là nguy hiểm.
Trong suốt một thời gian dài, Al-Qaeda là một luồng tư tưởng hơn là một tổ chức. Trong suốt giai đoạn 5 năm sau 1996, tổ chức khủng bố này có nhân sự, nguồn lực và doanh trại ở Afghanistan nhưng tất cả đã bị trừ khử sau khi Taliban bị lật đổ năm 2001. Mỹ và các chính phủ phương Tây lại xem Al-Qaeda là một cấu trúc chỉ huy và điều khiển giống Lầu Năm Góc thu nhỏ hoặc như mafia ở Mỹ. Công chúng cảm thấy dễ chịu với hình ảnh đó bởi vì tội phạm có tổ chức có thể theo dõi và diệt trừ thông qua nhà tù hoặc án tử. Thế nhưng, thực tế đáng báo động hơn vì Al-Qaeda có cơ chế tự tuyển mộ và các thành viên Al-Qaeda có thể xuất hiện bất cứ nơi nào.
Những ngày này, ít có sự khác biệt trong niềm tin của các phần tử thánh chiến, cho dù bọn họ có chính thức dính líu với Al-Qaeda trung tâm hay không. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các chính phủ phương Tây thích hình ảnh tưởng tượng về Al-Qaeda hơn vì nó giúp họ khẳng định thành tích khi tiêu diệt được các phần tử nhiều người biết đến. Thế nhưng, ngay cả cái chết của thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden năm 2011 cũng chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đến các tổ chức thánh chiến kiểu như Al-Qaeda, trong đó có IS.
Cuộc chiến chống khủng bố thất bại vì nó đã không nhằm vào toàn bộ phong trào thánh chiến. Vào thời điểm 11-9-2001, Al-Qaeda là một tổ chức nhỏ, nhìn chung thiếu hiệu quả nhưng đến nay, nhiều nhóm khủng bố kiểu như Al-Qaeda đã xuất hiện, rất hùng mạnh. Dĩ nhiên, IS đứng hàng đầu.
Kỳ tới: Bành trướng sang Libya
IS “mạnh như bom hạt nhân”
Ông Juergen Todenhoefer, tác giả người Đức đã trải qua 6 ngày trong TP Mosul-Iraq dưới quyền cai trị của IS, nhận định các phần tử cực đoan IS mạnh hơn, tàn bạo hơn và khó đối đầu hơn ông tưởng. Theo đài BBC, ông Todenhoefer phát hiện phiến quân IS có động cơ cao độ và đều tàn bạo; các cuộc không kích khó đánh trúng các tay súng IS bởi chúng được bố trí rộng khắp và không di chuyển thành đoàn xe nữa.
“Tôi cảm nhận được sự say máu chưa từng thấy ở các khu vực chiến tranh. Đầu năm 2014, ít người biết đến IS nhưng giờ, chúng đã chinh phục một khu vực rộng bằng Vương quốc Anh. Đây là lực lượng có sức mạnh của một quả bom hạt nhân hoặc một trận sóng thần. Tôi không thấy ai thực sự có cơ hội ngăn chặn chúng” - ông Todenhoefer nhấn mạnh.
Bình luận (0)