Hai phe trong nội bộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã tranh giành con tin Nhật Bản cho mục đích riêng, gửi đi những thông điệp khác nhau khiến Tokyo khó tìm cách cứu sống công dân mình.
Phe Iraq đấu phe Syria
Theo nguồn tin tình báo nước ngoài mà Nhật Bản thu thập được, trong nội bộ IS đang có một cuộc tranh giành quyền lãnh đạo khi cuộc khủng hoảng con tin nổ ra.
Một số nguồn tin cho biết phe IS ở Syria chịu trách nhiệm cầm giữ 2 con tin Nhật Bản (Haruna Yukawa và Kenji Goto) và đăng tải đoạn video lên mạng ngày 20-1, dọa giết con tin nếu Tokyo không trả 200 triệu USD tiền chuộc. Sau khi chính phủ Nhật Bản từ chối yêu sách, phe IS do các thành viên Iraq cầm đầu dường như cướp được con tin. Bằng chứng là đoạn thông điệp đăng tải hôm 24-1 bất ngờ đòi thả kẻ đánh bom tự sát hụt Sajida al-Rishawi, đang bị giam giữ tại Jordan mà không đả động đến tiền chuộc. Chất lượng hình ảnh video này kém hơn so với thông điệp đầu tiên. Đến khi phe Iraq thất bại trong việc trao đổi tù nhân với Jordan, phe Syria giành lại con tin và vào ngày 31-1 tuyên bố đã hành quyết nhà báo Kenji Goto.
Sự rối loạn trong nội bộ IS còn được thể hiện qua việc Abu Bakr al Baghdadi, kẻ tự xưng là thủ lĩnh IS và người phát ngôn Mohammad al-Adnani cho biết chỉ có 4 tài khoản trên mạng xã hội được phép phát đi thông điệp chính thức của IS. Kênh Fox News (Mỹ) nhận định bước đi khác thường này là nỗ lực của giới thủ lĩnh IS nhằm giảm bớt những phát biểu mâu thuẫn liên quan đến số phận con tin.
Nhật thắt chặt an ninh
Thất bại của Nhật Bản trong việc giải cứu 2 con tin từ tay IS nêu bật những khó khăn mà nước này gặp phải khi đối phó chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, dư luận còn hoài nghi về năng lực của Tokyo trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng liên quan đến công dân mình ở nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga ngày 3-2 kêu gọi tăng cường an ninh trong và ngoài nước. “Mối đe dọa khủng bố đã trở thành hiện thực với Nhật Bản” - hãng tin Kyodo dẫn lời ông Suga. Trang tin 47 News cho biết các cơ quan an ninh Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ với tình báo các nước nhằm nhanh chóng thu thập thông tin liên quan đến khủng bố. Song song đó là các biện pháp rà soát biên giới, cửa khẩu như các cảng hàng không, cảng biển... để ngăn chặn mọi sự xâm nhập của các phần tử khủng bố.
“Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản có thể lấy cuộc khủng hoảng con tin làm cớ thúc đẩy xây dựng một quân đội mạnh mẽ hơn” - giáo sư chính trị Stephen Nagy, Trường ĐH Công giáo Quốc tế ở Tokyo, nhận xét. Theo ông Nagy, điều Nhật Bản - và có thể là phần còn lại của châu Á - cần quan tâm hơn lúc này là khả năng IS tăng cường tấn công các công dân nước này và dùng họ làm tốt thí trong bàn cờ chính trị ở Trung Đông.
Nhắm vào “mục tiêu mềm”
IS và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang tăng cường nhắm vào “các mục tiêu mềm” nhằm cản trở phương Tây tấn công lãnh địa của chúng. Theo chiến lược này, phạm vi tấn công mở rộng sang khách sạn, quán cà phê, siêu thị và trung tâm thương mại - những nơi người Mỹ và châu Âu từng cảm thấy an toàn.
IS và những phần tử ủng hộ khắp thế giới đã nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công người phương Tây gần đây, như vụ tấn công một khách sạn ở thủ đô Tripoli - Libya làm 1 người Pháp và 1 người Mỹ thiệt mạng. Ông Steve Stalinsky, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu truyền thông Trung Đông (Mỹ), nhận định: “Ban đầu, chúng tập trung xây dựng cái gọi là đế chế Hồi giáo. Tuy nhiên, sau khi bị liên quân quốc tế không kích, chúng tích cực hô hào người ủng hộ tấn công trong các video, thông điệp đăng tải trên mạng xã hội”.
Bình luận (0)