Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại Israel chưa đủ sức tấn công có hiệu quả chương trình hạt nhân của Iran
Trong 15 năm qua, Israel thỉnh thoảng lên tiếng dọa “làm cỏ” những cơ sở hạt nhân của Iran vì nghi ngờ nước này bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran luôn luôn phủ nhận. Nhưng rồi đâu vẫn vào đó, chẳng có chuyện gì xảy ra. Lần này có vẻ như Israel tỏ rõ quyết tâm sẽ giải quyết vấn đề một mình.
Ngày 3-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trước Knesset (quốc hội): “Có những tình hình ở Trung Đông buộc Israel phải bảo vệ lợi ích sống còn của mình một cách độc lập, không cần thiết phải dựa vào các lực lượng trong và ngoài khu vực”.
Không quân: Ưu thế thuộc về Israel
Cuối tuần rồi, báo chí Israel đưa tin 14 chiếc F-16 tham gia cuộc tập trận “tấn công những mục tiêu ở xa” của NATO mang tên Vega 2011 diễn ra tại Cagliari (Ý). Cùng lúc, Bộ Quốc phòng loan báo đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo tuy giấu tên nhưng theo các chuyên gia quân sự là phiên bản mới của tên lửa Jericho III có thể bắn xa 7.800 km.
Vấn đề đặt ra là liệu Israel có đủ phương tiện để bảo đảm sự thành công của chiến dịch không kích những cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác trong một vùng rộng lớn gần 2.000 km2 mà một số nằm sâu dưới lòng đất?
Không quân Israel hiện đại hơn Iran rất nhiều Ảnh: J.P
Không lực Israel có ưu thế hơn hẳn với 243 chiếc F-15 và F-16. Sắp tới, không quân Israel sẽ có thêm máy bay chiến đấu đời mới nhất là F-35 của hãng Lockheed Martin (Mỹ). Hệ thống vũ khí đi kèm cũng rất hiện đại như tên lửa Popeye, Delilah (do Israel sản xuất) hay Hellfire và AMRAAM của Mỹ. Đặc biệt, Israel có bom GBU-28 dùng để công phá boong-ke trong lòng đất.
Trong khi đó, sức mạnh của không quân Iran dựa vào mấy chiếc F-14 Tomcat cổ lỗ của Mỹ mua từ thời vua Shah, máy bay Mig-29, Su-24 và Su-25 của Liên Xô, Mirage F1 của Pháp, F-6 và F-7 của Trung Quốc. Tất cả đều là đời cũ, rất cũ.
Do lệnh cấm vận quốc tế không cho phép mua máy bay mới dù tiền không thiếu, Iran tự sản xuất máy bay Saeqeh được cho là tốt hơn F-18 Mỹ nhưng không được các chuyên gia phương Tây đánh giá cao.
Iran cũng không có các loại máy bay hỗ trợ như tiếp dầu trên không hay AWACS (hệ thống báo và điều khiển trên không). Do vậy, không quân Iran chỉ có thể làm nhiệm vụ tự vệ thuần túy.
Iran liên tục phát triển tên lửa đạn đạo
Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với Israel. Iran liên tục phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn ngày càng xa. Theo Bộ trưởng Nội vụ Israel Eli Yishi, Iran có khoảng 100.000 tên lửa tầm ngắn và tầm xa.
Trên lý thuyết, tên lửa Iran có thể tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Israel trong vòng vài phút. Mối đe dọa lớn nhất đối với Israel mang tên Shahab (có nghĩa là Thiên thạch, theo tiếng Ba Tư) 3. Đây là phiên bản tên lửa Nodong của Triều Tiên, có tầm bắn 2.000 km theo thông tin của Iran, không chỉ đe dọa Israel mà cả phía Đông châu Âu, nhất là Hy Lạp, Bulgaria và Romania.
Iran cũng thử thành công tên lửa Sejil 2 dùng nhiên liệu rắn có tầm bắn ngang ngửa với Shahab 3 nhưng là sản phẩm 100% của Iran.
Phía Israel cũng có nhiều tên lửa đạn đạo hiện đại như Jericho III (bắn xa 4.500 đến 7.800 km) của Công ty IAI có thể mang đầu đạn hạt nhân, hóa học hoặc sinh học. “Người anh” của nó là Jericho II sử dụng trong chương trình không gian của Israel.
Thế hệ đầu tiên của tên lửa này được phát triển từ năm 1965 hợp tác với hãng Dassault- Pháp. Chương trình hợp tác này kết thúc vào tháng 1-1969 sau khi Israel bị cấm vận.
So kè vũ khí phòng không
Israel có thể chống chọi với tên lửa đạn đạo Iran không? Đây là một câu hỏi lớn đối với Israel. Trên giấy tờ, Israel sở hữu một kho vũ khí phòng không đáng nể.
Đó là hệ thống Iran Dome do hãng Rafael thiết kế để tiêu diệt tên lửa tầm ngắn của địch. Đó là tên lửa David’Sling, sản phẩm hợp tác của Rafael (Israel) và Raytheon (Mỹ), dùng để bắn hạ tên lửa tầm trung.
Ngoài ra, Israel còn có hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow 2 và sắp tới là Arrow 3. Israel cũng có hệ thống tên lửa Patriot hiện đại của Mỹ. Tất cả các hệ thống phòng không này có thể ngăn chặn 100% tên lửa của Iran không? Câu trả lời là không bảo đảm.
Về phía Iran có gì? Nhiều cơ sở làm giàu uranium của Iran chôn sâu trong lòng đất được bảo vệ bằng tên lửa Nga S-200 mà Iran nói đã cải tiến tốt hơn. Tuy nhiên, chắc chắn nó không thể bằng tên lửa S-330 mà Nga từ chối bán cho Iran vì phải tuân thủ lệnh cấm vận quốc tế. Iran cũng có một hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 của Nga nhưng tầm bắn không xa.
Với một tương quan lực lượng như vậy, sức mạnh lớn nhất của Israel là không quân. Yiftah Shapir, Giám đốc dự án cân bằng quân sự thuộc Học viện Nghiên cứu quốc gia của Trường Đại học Tel Aviv, nhận định: “Không lực Israel có thể tấn công gây thiệt hại lớn cho Iran”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng muốn triệt tiêu chương trình hạt nhân của Iran, không quân Israel phải duy trì cường độ không kích ròng rã cả tháng, xuất kích hơn 1.000 lần, điều mà Israel không đủ sức làm một mình.
Giáo sư Richard Russell, thuộc Trường Đại học Quốc phòng Mỹ, cũng nhận định rằng hiện tại Israel chưa đủ sức tấn công có hiệu quả chương trình hạt nhân của Iran. “Đây là vấn đề cực kỳ khó cho Israel” – giáo sư Russell kết luận.
Kỳ tới: Đánh hay không đánh?
Bình luận (0)