“Bạo lực để lại vết sẹo hằn sâu trong tâm lý trẻ em Palestine. Nhiều học giả xác nhận trẻ em Palestine rơi vào tình trạng phiền muộn, lo lắng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và gặp nhiều trở ngại về tâm lý” - bà Federica D’Alessandra, chuyên viên tại Trung tâm Nhân quyền Trường ĐH Harvard (Mỹ), nói với kênh Al Jazeera.
Luật sư Brad Parker, Tổ chức Bảo vệ Trẻ em quốc tế - Palestine, nhận xét việc sử dụng vũ lực gây chết người làm gia tăng lo ngại rằng Israel chấp nhận chính sách bắn giết. Theo ông Parker, luật pháp quốc tế cấm sử dụng súng, trừ trường hợp bất khả kháng để bảo vệ mạng sống. Mặc dù vậy, trẻ em Palestine vẫn bị giết chết trong các vụ biểu tình trong khi chẳng hề gây ra mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm đến tính mạng của bất kỳ binh sĩ hoặc cảnh sát Israel nào.
Trong diễn biến mới nhất, cảnh sát Israel đã bắn chết 1 người Palestine và làm bị thương 1 người khác sau khi 2 người này đâm 1 sinh viên Do Thái gần TP Jerusalem hôm 22-10. Kể từ đầu tháng 10, 9 người Israel và 49 người Palestine - gồm cả 25 kẻ tấn công - đã thiệt mạng trong các vụ tấn công và biểu tình chống Israel. Bạo lực phát sinh do người Palestine nghi ngờ người Do Thái lấn vào khu đền thờ al-Aqsa (hay thánh địa Núi Đền) trong khu Thành cổ của Jerusalem.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Berlin - Đức hôm 22-10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi chấm dứt mọi sự kích động và bạo lực. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu lặp lại cáo buộc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mới là người chịu trách nhiệm.
Các cuộc gặp riêng rẽ trước đó giữa 2 nhà lãnh đạo Israel, Palestine với ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đều không đạt tiến triển. Theo bà Merkel, lối thoát khả dĩ nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Israel và Palestine là giải pháp 2 nhà nước.
Bình luận (0)