Với nội dung dự kiến nêu bật sự phản đối của Israel đối với thỏa thuận hạt nhân tiềm tàng với Iran, bài diễn văn nhiều khả năng chọc giận Nhà Trắng và khiến quan hệ Mỹ - Israel xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sự nguội lạnh đó khiến ông Netanyahu và Đảng Likud đối mặt với sức ép lớn của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra trong 2 tuần tới.
Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không đến nghe bài diễn văn. Trong khi đó, hơn 180 cựu lãnh đạo của các cơ quan an ninh Israel hối thúc ông Netanyahu hủy kế hoạch phát biểu do lo ngại điều đó chỉ giúp Iran tới gần hơn mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn của Tổng thống Iran, ông Hamid Abutalebi, cũng cho rằng bài diễn văn sẽ càng khiến các nước đồng minh xa lánh Israel và cuối cùng “chỉ có lợi cho Iran”. Đáp lại, thủ tướng Israel khẳng định chuyến đi là một “sứ mệnh lịch sử” và bản thân ông giống như “sứ giả của người Do Thái”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ - Israel tranh cãi về chính sách đối với Iran. Báo Al-Jarida của Kuwait hồi cuối tuần rồi tiết lộ Tổng thống Obama năm 2014 từng đe dọa bắn hạ các máy bay chiến đấu của Israel sau khi biết thông tin Tel Aviv quyết định tấn công Iran. Ngay sau đó, ông Netanyahu buộc phải hủy bỏ kế hoạch này dù cho các phi công đã sẵn sàng lên đường sau nhiều tuần huấn luyện. Ông chủ Nhà Trắng đã từ chối gặp ông Netanyahu ở Washington. Tuy nhiên, trong một nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington chào đón bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu và không muốn biến sự việc thành “một trận đấu chính trị”.
Bình luận (0)