Nhà chức trách Jordan đã treo cổ 2 tử tù người Iraq - nữ thủ phạm đánh bom Sajida al-Rishawi và thành viên Al-Qaeda cấp cao Ziyad Karboli - để trả thù nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Vụ xử tử diễn ra rạng sáng 4-2, rất nhanh sau khi IS tung đoạn video chiếu cảnh thiêu sống phi công Muadh al-Kasasbeh.
Cắt ngắn chuyến thăm Mỹ sau khi nhận được tin phi công Kasasbeh bị hành quyết, Quốc vương Abdullah lên án đó là hành động khủng bố hèn nhát và kêu gọi người dân Jordan đoàn kết, đồng thời tuyên bố phiến quân IS là bọn tội phạm xuyên tạc niềm tin Hồi giáo.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Alistair Baskey, cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc vương Abdullah tái khẳng định hành động sát hại dã man viên phi công Jordan sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế tăng thêm quyết tâm tiêu diệt IS. Ngoài ra, Washington thông báo kế hoạch tăng viện trợ hằng năm cho Jordan lên 1 tỉ USD để nước này giúp người tị nạn Iraq, Syria và tham gia cuộc chiến chống IS.
Biểu tình ở Amman sau khi xuất hiện đoạn video hôm 3-2 cho thấy phi công Muadh al-Kasasbeh
bị thiêu sống trong lồng. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên án tội ác mới nhất của IS là “không thể tha thứ” và khẳng định Tokyo sẽ sát cánh cùng Amman trong thời khắc khó khăn. Nhật Bản vừa mất 2 công dân Haruna Yukawa và Kenji Goto chỉ trong vài ngày trước.
Đài truyền hình nhà nước Jordan đưa tin viên phi công thực ra đã bị giết hôm 3-1, không lâu sau khi rơi vào tay IS hồi cuối tháng 12-2014. Thế nhưng, IS vẫn lập lờ đòi đổi mạng anh và nhà báo Kenji Goto để lấy tự do cho Rishawi. Reuters nhận định chính phủ Jordan tiết lộ thông tin trên nhằm đối phó với làn sóng chỉ trích của người dân trong nước khi họ cho rằng lẽ ra chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để cứu Kasasbeh.
Cha của phi công Kasasbeh, ông Safi al-Kasasbeh, giận dữ cho rằng hành quyết 2 phần tử cực đoan là không đủ và hối thúc chính phủ trả thù. “Tôi muốn nhà nước trả thù cho máu của con trai tôi bằng cách xử tử thêm những kẻ đi theo băng nhóm tội phạm chẳng hề có gì chung với Hồi giáo này. Người dân Jordan yêu cầu chính phủ và liên minh trả đũa mạnh hơn để tiêu diệt bọn chúng” - ông nói.
Theo báo The Guardian, việc IS hành quyết viên phi công 26 tuổi là gây sức ép buộc chính phủ Jordan, đồng minh thân cận của Mỹ, rời khỏi liên minh chống lại nhóm này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định Amman sẽ tăng cường tham gia chiến dịch chống IS, còn giới chức Mỹ đoan chắc vụ sát hại Kasasbeh sẽ làm lập trường của Jordan càng thêm cứng rắn.
Trước đây, một số người dân Jordan chỉ trích Quốc vương Abdullah lôi kéo nước này vào liên minh do Mỹ dẫn đầu nhưng mọi chuyện có thể khác đi sau sự kiện trên. Nhà bình luận chính trị Peter Beinart của đài CNN nhận xét: “Ở Jordan, người ta không ưa gì Mỹ nhưng việc một viên phi công đến từ một bộ tộc hùng mạnh ở nước này bị sỉ nhục và thiêu sống sẽ giúp Quốc vương Jordan dễ ăn nói hơn khi tham gia liên minh chống IS”.
Phi công Jordan được xem là người đầu tiên thuộc liên minh chống IS mất mạng trong tay nhóm này. Ngoài ra, đài CNN cho biết IS hiện còn cầm giữ ít nhất 2 con tin phương Tây: nhà báo Anh John Cantlie và một nữ nhân viên cứu trợ người Mỹ 26 tuổi.
Pháp lại bị “ngắm”
Ba binh sĩ Pháp đã bị một người đàn ông cầm dao đâm bị thương bên ngoài một trung tâm cộng đồng Do Thái ở TP Nice hôm 3-2. Thị trưởng Christian Estrosi cho biết cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm, được xác định là Moussa Coulibaly (30 tuổi, gốc Mali) và một người đàn ông liên quan. Hai người này bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất hồi tuần trước và không có liên hệ với các vụ tấn công từ ngày 7 đến 9-1 ở thủ đô Paris. Cùng ngày, IS lại kêu gọi tấn công Pháp trong đoạn video mới.
Tại Canada, cảnh sát hoàng gia đã bắt giữ một nam thanh niên 25 tuổi tên Awso Peshdary, bị cáo buộc hỗ trợ IS, hôm 3-2. Hai nghi can khác cũng lọt vào tầm ngắm của cảnh sát Canada là Khadar Khalib (23 tuổi) và John Maguire (24 tuổi) đã chạy đến Trung Đông để gia nhập IS.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc đang xác minh các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy hàng viện trợ thực phẩm của tổ chức này tại thị trấn Deir Haf - Syria hồi tháng 8-2014 có đính biểu tượng của IS.
Cùng ngày 3-2, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng Tây Phi tăng cường hợp tác quân sự để chống lại Boko Haram ở Nigeria, đồng thời lên án nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan này “phá hoại hòa bình và ổn định của Tây và Trung Phi”. Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc quân đội Chad chiếm lại được thị trấn biên giới Gamboru, Đông Bắc Nigeria từ tay Boko Haram cũng như giải phóng hàng loạt thị trấn Baga, Dikwa, Malam Fatori, Damasak, Ngala và một phần Bama trong vòng 4 ngày qua.
Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc thông báo đang đánh giá kết quả cuộc không kích nhằm vào thủ lĩnh cấp cao Yusef Dheeq của nhóm al-Shabaab ở Somalia hôm 31-1. Việc Yusef Dheeq bỏ mạng, nếu có, sẽ là một đòn mạnh giáng vào nhóm vũ trang có liên hệ với Al-Qaeda này.
Phạm Nghĩa
Vì sao phi công Kasasbeh bị thiêu sống?
Việc IS thiêu sống phi công Muadh al-Kasasbeh trong lồng sắt thay vì chặt đầu như những con tin trước đó không phải là hành động ngẫu nhiên. Theo Laith Alkhouri, nhà phân tích thuộc Công ty Tư vấn An ninh toàn cầu Flashpoint Intelligence, có thể IS muốn nói với thế giới rằng đó là cách thức “thực thi công lý” của chúng. “Nhóm này muốn chứng tỏ khi thành viên của IS bị giam ở Syria, Iraq và liên minh quốc tế thực hiện các đợt ném bom, chúng sẽ đáp trả như vậy” - ông Alkhouri phân tích.
Ông Evan Kohlmann, một chuyên gia của Flashpoint Intelligence, cho rằng việc IS tung video thiêu sống phi công Jordan nhằm “tạo giá trị đột biến” bởi cách chặt đầu con tin đã trở nên quen thuộc. Không chỉ thay đổi phương thức hành quyết, video còn cho thấy nhóm chiến binh trùm kín mặt đứng xung quanh Kasasbeh thay cho những tay đao phủ bịt mặt bằng khăn đen và cầm dao trong các video trước đây.
Trong khi đó, nhà bình luận Mỹ Micah Halpern phân tích trên tờ The New York Observer rằng yếu tố quan trọng khiến IS thiêu sống Kasasbeh là vì anh là người Hồi giáo. Kasasbeh lại tham gia liên minh quốc tế chống IS. Do đó, bọn chúng cho rằng tội của Kasasbeh là làm theo mệnh lệnh của những kẻ dị giáo phương Tây và Mỹ.
Theo ông Halpern, đạo Hồi xem hành quyết là hình phạt dành cho những kẻ mắc tội tày đình. Trong khi chặt đầu trở thành cách trừng phạt phổ biến nhất thì thiêu sống dùng để trị tội phản bội Hồi giáo, như cải sang đạo Thiên chúa. Juan Zarate, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, còn cho rằng IS đang gửi một thông điệp về sự tàn nhẫn đến các nước Ả Rập tham gia không kích chúng.
Bằng hình thức thiêu sống, IS cũng có mục đích thổi bùng sự hoảng sợ. “Mục đích của chủ nghĩa khủng bố là làm trái tim đối thủ sợ hãi để giành lấy sự nhượng bộ chính trị” - tờ Middle East Quarterly nhận xét.
Huệ Bình
Bình luận (0)