Hệ thống tàu điện ngầm tại TP St. Petersburg - Nga hoạt động trở lại vào chiều 4-4 sau cuộc kiểm tra toàn bộ nhà ga và đường hầm. Trước đó, một vật thể đáng ngờ được tìm thấy trên một đường ray lúc 6 giờ 20 phút, tức chưa đầy 1 giờ sau khi các nhà ga mở cửa.
Phần tử ly khai Chechnya hay IS?
Cùng ngày, Ủy ban Điều tra Nga cho biết đã xác định được nghi phạm tiến hành vụ đánh bom tự sát trên tàu điện ngầm ở St. Petersburg hôm 3-4. Tên này là Akbarzhon Dzhalilov, sinh năm 1995, được cho là đã đặt quả bom dưới ghế trên tàu điện ngầm và nó phát nổ khi tàu di chuyển từ ga Tekhnologichesky Institut đến ga Sennaya Ploschad. Những mảnh xác của y được tìm thấy trong toa tàu thứ ba.
Tuyên bố của Ủy ban Điều tra Nga nói thêm Dzhalilov chính là người đã để lại chiếc túi có chứa thiết bị nổ tại nhà ga Ploshchad Vossytaniya - cách ga Tekhnologichesky Institut khoảng 3,2 km - nhưng nó đã bị vô hiệu hóa trước khi gây họa.
Hình ảnh nghi phạm Akbarzhon Dzhalilov do camera an ninh ghi lại Ảnh: Daily Mail
Akbarzhon Dzhalilov cũng là cái tên được Cơ quan Tình báo Kyrgyzstan nêu ra trước đó cùng ngày. Theo cơ quan này, hắn là công dân Nga sinh tại TP Osh - Kyrgyzstan và nhiều khả năng có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Hãng tin Tass cho biết một phụ nữ cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ nổ. Hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khiến 14 người thiệt mạng, 50 người bị thương nói trên. Tuy nhiên, những vụ tấn công trước đó ở Nga bị quy trách nhiệm cho các phần tử ly khai Chechnya hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Kyrgyzstan có 6 triệu dân, đa số là người Hồi giáo và là một đồng minh thân cận của Nga. Khoảng 500 công dân nước này đã đến Syria gia nhập hàng ngũ IS. Vì thế, thế giới phân tích phỏng đoán kẻ đánh bom có thể là một phần tử ly khai Chechnya hoặc thành viên IS hoặc có liên hệ với 2 nhóm này. Một khả năng khác là vụ tấn công mang dấu ấn của cả 2 nhóm. Lâu nay, người ta lo ngại các tay súng Chechnya sau khi đến Syria tham chiến có thể mang kinh nghiệm chiến đấu trở về nhà.
Siết chặt an ninh
Theo báo Kommersant, giới tình báo đã có thông tin về vụ tấn công ở TP St. Petersburg nhưng không kịp biết chính xác thời gian và địa điểm. Kẻ tiết lộ thông tin này là một người Nga có liên hệ với IS và y đã bị bắt sau khi từ Syria trở về nước. Kể từ khi Nga can thiệp quân sự tại Syria, các tay súng IS tung video tuyên bố trả thù Tổng thống Vladimir Putin và người dân Nga nên không loại trừ khả năng vụ tấn công dính líu đến IS. Trong nỗ lực trấn an người dân, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh vụ tấn công mới nhất cho thấy sự cần thiết phải có hành động chung để chống khủng bố.
Trước mắt, an ninh được tăng cường khắp nước Nga. Hàng ngàn cảnh sát và nhân viên mặc thường phục của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) được triển khai tại các trung tâm mua sắm, trạm tàu lửa, sân bay và những nơi đông người khác ở St. Petersburg. Hình ảnh nghi phạm được chuyển đến các trạm kiểm soát ở những vùng Leningrad, Murmansk, Pskov và Cộng hòa Karelia. “Không chỉ cảnh sát mà các đơn vị quân đội trong khu vực đều đặt ở mức báo động cao nhất” - một nguồn tin cảnh sát cho biết.
Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Putin đã đến hiện trường để đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời chia buồn và đề nghị hỗ trợ điều tra. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi vụ tấn công là “hành động man rợ”. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đã gửi lời chia buồn đến Tổng thống Putin.
Chủ tịch nước chia buồn
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 4-4 đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ tấn công làm nhiều người thương vong tại ga tàu điện ngầm TP St. Petersburg.
Cũng trong ngày 4-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cho đến nay chưa có công dân Việt Nam là nạn nhân của vụ tấn công này. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo đại sứ quán tiếp tục theo dõi, kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam gặp khó khăn.
D.Ngọc
Bình luận (0)