Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy trong số những cử tri nói sẽ đi bỏ phiếu, có hơn 80% người phản đối kế hoạch của EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu phản đối mạnh mẽ nhất kế hoạch tái định cư 160.000 người xin tị nạn tại Ý và Hy Lạp đến những nước khác thuộc EU. Dù Hungary chỉ phải tiếp nhận 1.294 người trong số này, ông Orban vẫn kêu gọi người dân phản đối kế hoạch của EU vì cho rằng nó có thiếu sót và đe dọa an ninh châu Âu.
“Càng có nhiều người di cư thì nguy cơ khủng bố càng cao” - Thủ tướng Hungary cảnh báo. Những tác động lên kinh tế cũng là một nỗi lo khác.
Bà Erzsebet Virag, một cử tri bỏ phiếu gần trạm tàu phía Đông thủ đô Budapest, cho biết: “Tôi đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch EU vì có quá nhiều người nghèo trong nước. Nếu có thêm người nghèo đến đây, chúng tôi sẽ nghèo hơn và phải làm việc cật lực hơn nữa”. Trái lại, không ít người dân Hungary chỉ trích chính phủ đang “nói xấu” người tị nạn và kích động sự căm ghét.
Cử tri Hungary bỏ phiếu ở làng Roszke, gần biên giới Serbia Ảnh: Reuters
Trong suốt cuộc khủng hoảng di cư, Hungary là quốc gia nằm trên tuyến đường Tây Balkan đến Đức và các nước EU khác. Nhằm ngăn chặn làn sóng di cư, Hungary đã đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia trong bước đi được nhiều người dân ủng hộ nhưng lại bị các nhóm nhân quyền chỉ trích.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Hungary còn nộp đơn lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối quyết định được đưa ra hồi tháng 9-2015 của EU đối với kế hoạch trên. Theo thống kê, khoảng 1,25 triệu người nộp đơn xin tị nạn lần đầu tiên tại EU hồi năm ngoái. Trong đó, Đức nhận được 441.800 đơn, theo sau là Hungary (174.435) và Thụy Điển (156.110); riêng Hungary đã chấp nhận 505 yêu cầu tị nạn hồi năm ngoái.
Cùng ngày, một cuộc trưng cầu ý dân đáng chú ý khác cũng diễn ra ở Colombia, liên quan đến số phận thỏa thuận hòa bình vừa đạt được nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài 52 năm qua.
Thỏa thuận hòa bình này - được Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Timoleon Jimenez ký vào tuần rồi - sẽ được thực thi nếu đa số cử tri bỏ phiếu tán thành.
Khi đó, FARC sẽ thành lập chính đảng và được bảo đảm 10 ghế tại quốc hội cho đến năm 2026. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của 2/3 cử tri.
Bình luận (0)