Kết quả chính thức sau hai cuộc trưng cầu ý kiến tiến hành đồng thời trong hai cộng đồng người trên đảo Síp cho thấy có hơn 75% số người Síp gốc Hy Lạp bỏ phiếu chống trong khi gần 65% số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ. Thất bại này có nghĩa là chỉ có nước miền Nam Síp của người Síp gốc Hy Lạp (được quốc tế công nhận) được gia nhập Liên minh châu Âu vào ngày 1-5 tới.
Dư luận đã bày tỏ thất vọng sau khi kết quả trên được công bố. Đặc phái liên LHQ tại đảo Síp nói rằng "cơ hội lịch sử duy nhất để giải quyết vấn đề đảo Síp đã bị bỏ lỡ". và cho biết Tổng thư ký LHQ "lấy làm tiếc" vì cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được hưởng lợi bình đẳng với người Síp gốc Hy Lạp trong việc Síp gia nhập EU, nhưng ông An-nan hy vọng sẽ tìm ra những biện pháp để làm dịu căng thẳng sau thất bại này. Tổng thư ký LHQ cũng vẫn khẳng định rằng kế hoạch thống nhất đảo Síp của LHQ là một sự thoả hiệp công bằng, khả thi và đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của các bên liên quan.
Mỹ và Ủy ban châu Âu (EC) cũng bày tỏ thất vọng vì cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch của LHQ. EC ra tuyên bố nói rằng "cơ hội duy nhất để tìm ra một giải pháp cho vấn đề đảo Síp tồn tại dai dẳng đã bị bỏ lỡ". Tuy nhiên, EC tôn trọng quyết định của người Síp gốc Hy Lạp.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ "thất vọng" vì nỗ lực thống nhất đảo Síp đã thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kế hoạch thống nhất đảo Síp do LHQ đưa ra với mong muốn sự thành công của kế hoạch này sẽ tạo thuận lợi cho nỗ lực của chính Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Tại Athen, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hành động để duy trì quá trình tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này, "hợp tác, ủng hộ và đoàn kết với chính phủ của người Síp gốc Hy Lạp".
Tại đảo Síp, các thủ lĩnh cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với cộng đồng này. Các nàh phân tích cho rằng với việc bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của LHQ, giờ đây cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được viện trợ kinh tế, thậm chí sự công nhận của một số nước.
Đảo Síp bị chia cắt từ năm 1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc đảo này sau khi cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp định sáp nhận đảo này với Hy Lạp.
Bình luận (0)