Vụ án bí ẩn
Theo đài ABC News và báo The Daily Beast, vào ngày 7-7-1972, cô bé Julie Ann Hanson, 15 tuổi, sống ở TP Naperville, bang Illinois - Mỹ, được báo cáo mất tích sau khi đi xe đạp tới tham dự trận đấu bóng chày của cậu em trai 12 tuổi nhưng không trở về nhà.
Người chị gái 18 tuổi của Hanson không thông báo em mình bị mất tích cho đến chiều hôm sau, ngày 8-7-1972. Ít giờ sau, chiếc xe đạp của cô bé được tìm thấy trong một con mương dọc đường 87, còn thi thể em nằm cách cánh đồng ngô khoảng 30 m.
Cô bé Julie Ann Hanson. Ảnh: Sở Cảnh sát TP Naperville
Sở Cảnh sát TP Naperville cho biết cô bé bị cưỡng hiếp và trên người có 36 vết thương do bị đâm.
Dù tích cực điều tra nhưng cảnh sát không phát hiện ra đầu mối nào, vì vậy danh tính kẻ sát nhân vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Cảnh sát trưởng TP Naperville Robert Marshall nói tại một cuộc họp báo hôm 4-6: "Tội ác tàn bạo này đã ám ảnh cộng đồng của chúng tôi. Đó không phải là một vụ án không có lời giải bởi chúng tôi không ngừng điều tra. Chúng tôi đã xác định được nhiều nghi phạm song tất cả họ bị loại trừ".
Phả hệ di truyền
Hồi năm ngoái, cảnh sát phân tích mẫu ADN tìm thấy tại hiện trường vụ sát hại cô bé Hanson, sau đó đối chiếu với ADN của kẻ sát nhân Bruce Lindahl liên quan tới một vụ đâm chết người năm 1981. Kết quả, chúng không khớp nhau.
Vụ án tưởng chừng đi vào bế tắc. Tuy nhiên, nhờ phả hệ di truyền (phân tích mẫu ADN và xét nghiệm ADN kết hợp với các phương pháp phả hệ truyền thống để suy ra các mối quan hệ sinh học giữa những cá nhân), kẻ sát nhân cuối cùng đã lộ mặt vào tuần rồi.
Kẻ sát nhân Barry Lee Whelpley. Ảnh: Sở Cảnh sát TP Naperville
Hôm 4-6, Barry Lee Whelpley, 76 tuổi, bị bắt giữ về tội sát hại cô bé Hanson. Lúc xảy ra vụ án, Whelpley mới 27 tuổi. Hắn sống cách nhà nạn nhân hơn 1 km. Trước đây, Whelpley làm nghề thợ hàn nhưng hiện đã nghỉ hưu và cư trú ở bang Minnesota, nơi hắn bị giam giữ về 3 tội giết người cấp độ 1. Whelpley đang chờ bị dẫn độ về bang Illinois để chịu tội. Nếu muốn tại ngoại, hắn phải nộp số tiền 10 triệu USD.
Đài ABC News giải thích thông qua phả hệ di truyền, ADN của một nghi phạm tại hiện trường có thể được xác định thông qua các thành viên gia đình của hắn. Các thành viên này sẽ tự nguyện đóng góp ADN cho cơ sở dữ liệu phả hệ. Điều này giúp cảnh sát tạo ra một cây gia đình lớn hơn nhiều so với việc bị giới hạn sử dụng cơ sở dữ liệu của cơ quan thực thi pháp luật.
Năm 2018, kẻ sát nhân đầu tiên bị vạch mặt nhờ vào xác định phả hệ di truyền, đó là Joseph DeAngelo. Tên này đã giết 13 người và cưỡng hiếp gần 50 nạn nhân ở Mỹ. Kể từ ấy, hơn 150 nghi phạm khác cũng bị cảnh sát Mỹ xác định thông qua phả hệ di truyền.
Bình luận (0)