Kiểm tra của cảnh sát cho biết, nạn nhân đã bị đâm nhiều nhát dao vào mặt và cổ. Yếu tố đáng lưu ý tại hiện trường là máu được chùi sạch trên thi thể nạn nhân, còn những chiếc khăn lông thấm máu và bộ đồ ngủ của nạn nhân được ném vào bồn nước trong phòng tắm. Có điều lạ là tiền bạc, nữ trang của nạn nhân không bị mất mát gì cả, cũng không có dấu vết bị xâm hại tình dục. Cảnh sát ban đầu nhận định: Đây chỉ đơn thuần là một vụ giết người lạnh lùng, không có động cơ rõ ràng. Thủ phạm phải là một tên khôn ngoan, lọc lõi. Tuy nhiên, có hai nhân chứng - một người hàng xóm và một tài xế taxi - khai báo với cảnh sát rằng, họ thấy một thanh niên để tóc dài, mặc áo thun màu trắng, quần đen bước vào căn nhà của gia đình Balding rồi bỏ đi sau đó vài giờ.
Trong khi cảnh sát thành phố Adelaide còn đang tập trung điều tra vụ án mạng, thì vào ngày 5-7-1999, người ta lại phát hiện xác của một phụ nữ 30 tuổi tên là Virginia Morse nằm chết trong bồn tắm tại căn hộ của mình ở phía Tây thành phố. Trên tường phòng tắm, một dòng chữ được viết bằng son môi màu đỏ: “Hãy tin là sẽ còn những vụ như thế này nữa". Nạn nhân lần này cũng bị đâm nhiều nhát dao vào đầu và cổ, xác cũng được lau sạch máu và thân thể không bị xâm hại tình dục. Đây đúng là kiểu cách mà tên tội phạm đã ra tay với nạn nhân Janine Balding trước đó vài tháng. Có điều là lần này, tên sát nhân vẫn để lại một dấu khá mờ của một ngón tay trên góc trái cánh cửa phòng tắm của nạn nhân. Lập tức, cảnh sát thành phố Adelaide phối hợp với cảnh sát bang Nam Australia sàng lọc và phân loại hơn 1 triệu dấu vân tay lưu trong ngân hàng dữ liệu để tìm ra sự tương thích nhưng vẫn không có kết quả.
Ngày 9-12-1999, đến lượt Anita Cobby, một nữ y tá 21 tuổi, làm việc tại một bệnh viện ở Adalaide bị mất tích. Cho dù cố gắng tìm kiếm, cảnh sát vẫn không phát hiện ra dấu vết của cô y tá này. Có khả năng cô ta đã bị giết chết, mà mọi nghi vấn đều nghiêng về tên thủ phạm đã gây ra hai vụ giết người trước đó.
Đến chiều ngày 12-12, một người câu cá phát hiện ra xác một phụ nữ nằm trong một đám cỏ lau sát bờ sông Lachlan chảy ngang ra thành phố Adelaide. Cảnh sát xác định đó chính là Anita Cobby. Lần này, cảnh sát còn phát hiện ra dấu vết của bụi gỗ trên bàn chân và chân tóc của nạn nhân. Nhận định của cảnh sát là nạn nhân đã bị bắt cóc đem đến giam giữ tại một xưởng chế biến gỗ, rồi bị giết. Tên sát nhân đã đưa xác nạn nhân ra vất ở bờ sông để đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát.
Sáng hôm sau, cảnh sát huy động toàn bộ lực lượng để lục soát các xưởng chế biến gỗ nằm ở ngoại ô thành phố. Tại một nhà kho bỏ hoang của một xưởng chế biến gỗ ở khu North Ryde, cảnh sát phát hiện ra một chiếc khăn tay, được xác nhận là của Anita Cobby cùng một sợi dây điện nhỏ mà họ cho rằng tên sát nhân đã sử dụng để siết cổ nạn nhân. Trên sàn nhà đầy mạt cưa và bụi gỗ cảnh sát tìm thấy nhiều dấu giày, mà khi được so sánh cho kết quả đúng là dấu giày của nạn nhân và dấu giày của một người khác. Cảnh sát cho rằng, có thể tên sát nhân là một trong số những công nhân làm việc trong xưởng chế biến gỗ này. Thế nhưng, qua nhiều cuộc thẩm vấn hàng trăm công nhân, kiểm tra giờ giấc sinh hoạt và loại giày mà họ mang khi làm việc, cảnh sát vẫn không xác định được thủ phạm.
Ba vụ giết người, nạn nhân toàn là phụ nữ trẻ, xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn mà vẫn không tìm ra được thủ phạm đã khiến cư dân thành phố Adelaide bất bình và lo sợ. Thị trưởng Ronald Polls phải lên tiếng trấn an dân chúng trên truyền hình và đài phát thanh.
Cuối cùng, việc tóm được thủ phạm lại xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên khi một kẻ lạ mặt toan tính đột nhập vào một ngôi nhà trên đường Byron đã bị cảnh sát tuần tra bắt giữ vào ngày 20-12-1999. Đó là một gã thanh niên 31 tuổi, khai tên là Stephen Jamieson, có gương mặt dữ dằn và lạnh lùng. Hồ sơ của cảnh sát cho biết, Jamieson từng bị bắt vào năm 13 tuổi khi hắn mang trong người một khẩu súng ngắn. Jamieson sau đó còn dính dáng đến các vụ ăn trộm, hành hung người và cả toan tính giết người. Đôi giày của hắn ta mang được trao cho cơ quan giám định khoa học hình sự. Ngoài việc phát hiện dấu giày của Jamieson trùng khớp với những dấu giày lạ tại nhà kho chứa gỗ bỏ hoang ở khu North Ryde (nơi Anita Cobby bị giết) thì những bụi gỗ được tìm thấy bám dưới đế giày của hắn ta cũng khớp với loại bụi gỗ tìm thấy trên bàn chân và chân tóc của Anita Cobby. Điều này chứng tỏ Jamieson là thủ phạm đã bắt cóc rồi giết chết Anita Cobby.
Bị thẩm vấn suốt hai ngày liền, Jamieson khai nhận có tham gia vụ bắt cóc rồi giết hại Anita Cobby nhưng khẳng định hắn ta chỉ là đồng phạm, còn thủ phạm là một tên đàn anh của hắn tên là Goerges Murran. Jamieson miêu tả Murran tỉ mỉ đến nỗi cảnh sát tin là hắn ta nói thật nên liền triển khai lực lượng truy tìm Murran. Nhưng cho dù có nỗ lực truy tìm, cảnh sát vẫn bặt tin Murran. Cho rằng đây là một trò trốn tội của Jamieson nên cảnh sát dọa sẽ sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra các lời khai của hắn ta. Sau một ngày suy nghĩ, cuối cùng Jamieson không những thú nhận đã bắt cóc rồi giết chết Anita Cobby mà chính hắn còn ra tay giết hại cả Janine Balding và Virginia Morse.
Ngày 17-8-2000, Stephen Jamieson bị kết tội sát nhân và phải lãnh mức án tù chung thân. Trong thời gian thi hành án tại nhà tù Dubbown ở thành phố Adelaide, Jamieson hay gây gổ, đánh nhau với những ai gọi hắn ta là tên sát nhân mang gương mặt quỷ. Cho đến khi bác sĩ chẩn đoán hắn ta mắc chứng bệnh thần kinh vào tháng 10-2001 nên hắn được đưa vào quản thúc tại một bệnh viện tâm thần.
Bình luận (0)