Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ phóng kính thiên văn vũ trụ Gaia vào tháng 11 tới với nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi sát sao khu vực giữa trái đất và mặt trời nhằm cảnh báo sớm các vụ “rình rập” của thiên thạch.
Khoảng không giữa trái đất và mặt trời vốn được gọi là “khu vực mù” đối với các đài quan sát trên mặt đất. Với khả năng lấp đầy “lỗ hổng” trên, kính thiên văn Gaia có thể phát hiện sớm sự xuất hiện của các thiên thạch và các tiểu hành tinh đang nhăm nhe rơi xuống trái đất. Đây được xem là một tiến bộ trong ngành nghiên cứu không gian.
Báo Express (Anh) hôm 20-10 đưa tin ESA dự định phóng kính viễn vọng Gaia sau vụ thiên thạch nổ trên bầu trời TP Cheliabinsk - Nga hồi tháng 2 -2013. Tảng thiên thạch có đường kính khoảng 15 m, nặng xấp xỉ 11.000 tấn đã xuyên qua bầu khí quyển trái đất và phát nổ ở độ cao 20 km, gây náo loạn ở Cheliabinsk và nhiều thành phố lân cận vùng núi Ural của Nga. Các mảnh vỡ thiên thạch đã làm 1.200 người bị thương. Nếu có Gaia, thiên thạch này có thể đã được phát hiện khi di chuyển qua “khu vực mù” nhiều tháng trước đó.
Trong khi đó, theo hãng tin RIA Novosti, Giám đốc Cơ quan Không gian Liên bang Nga (Roscosmos), ông Oleg Ostapenko, hôm 20-10 khẳng định Roscosmos vừa nhận nhiệm vụ mới là đương đầu với các thiên thạch. Ông Ostapenko xác nhận cơ quan này sẽ cùng Viện Hàn lâm Khoa học Nga bàn bạc dự án, sau đó sẽ hội ý với các nhà khoa học. Ông Ostapenko thừa nhận việc dò tìm và đối phó với mối đe dọa từ vũ trụ là một nhiệm vụ phức tạp nên giới khoa học cần có sự hợp tác với Lực lượng Phòng thủ Không gian Nga.
Những hoạt động trên được khẩn trương tiến hành sau khi các nhà khoa học phát hiện một thiên thạch rộng 410 m có thể va chạm trái đất vào ngày 26-8-2032. Theo ước tính ban đầu, tỉ lệ vị khách không mời này đụng trúng trái đất là 1/63.000. Thế nhưng, nguy cơ này có thể đến sớm hơn, vào năm 2028.
Bình luận (0)