Người châu Âu trong thời đại hiện nay đã không còn dành quá nhiều tình cảm cho các vị vua chúa, nhất là khi đề cập chi phí cấp dưỡng cho hoàng gia. Nếu trước đây, người ta chỉ im lặng một cách lịch sự khi nhắc về chi tiêu của hoàng gia thì bây giờ, ngày càng có nhiều người cho rằng các ông vua, bà hoàng cần phải sống khiêm tốn và xài tiền hợp lý hơn, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Ngân khố đang cạn kiệt
Một báo cáo mới được công bố đã phần nào nêu bật tình cảnh khó khăn mà Hoàng gia Anh đang đối mặt cho dù khối tài sản trong tay họ không phải nhỏ. Theo số liệu thống kê mới nhất từ tạp chí Forbes (Mỹ), tài sản cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth II ước tính vào khoảng 500 triệu USD. Số tài sản này bao gồm những bất động sản như lâu đài Balmoral ở vùng cao nguyên Scotland, các trang trại nuôi ngựa, trồng cây ăn quả và đất đai ven biển khắp đất nước, bộ sưu tập nghệ thuật và nữ trang cao cấp cùng bộ sưu tập tem lớn nhất thế giới được thừa hưởng từ ông nội bà - vua George V.
Đó là chưa kể số tài sản mà nữ hoàng có quyền sử dụng, dù không sở hữu, như một lượng bất động sản trị giá 10 tỉ USD, cung điện Buckingham (ước tính 5 tỉ USD) hoặc bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ. Điều thú vị là ngay cả đàn thiên nga trên sông Thames cũng được Hoàng gia Anh nhận là tài sản của mình kể từ thế kỷ XII, thời điểm thịt thiên nga là món cao lương mỹ vị. Từ đó, thiên nga trên sông Thames không còn bị làm thịt. Ngoài ra, nữ hoàng còn nhận khoản lương lên đến 12,9 triệu USD mỗi năm từ Chính phủ Anh.
Dù không có mặt trong danh sách các tỉ phú trên thế giới nhưng Nữ hoàng Elizabeth II luôn được xem là một trong những người giàu nhất trong giới hoàng gia. Tuy nhiên, do phần lớn tài sản nói trên gắn liền với ngôi vị nữ hoàng, không thuộc quyền sở hữu cá nhân nên bà không thể bán chúng.
Với số tài sản nói trên, không ít người ngạc nhiên trước báo cáo mới dài 35 trang của Ủy ban Kiểm toán công (PAC) thuộc Quốc hội Anh, trong đó cảnh báo ngân khố hoàng gia đang cạn kiệt. Trước năm 2012, Quốc hội Anh không có quyền xem xét chi tiết về những khoản chi tiêu của hoàng gia. Tuy nhiên, một điều luật được thông qua vào năm 2012 cho phép PAC làm điều này.
Luật cũng thay đổi cách thức hoàng gia nhận được tiền từ chính phủ. Điện Buckingham giờ đây nhận tiền theo từng năm thông qua một hệ thống cấp dưỡng gọi là Sovereign Grant, dựa trên thu nhập được tạo ra bởi những tài sản của hoàng gia, trong đó có trang trại, hầm mỏ, hoạt động bán lẻ… Số tiền này được dùng để trả lương nhân viên, bảo trì cung điện, trang trải phí sinh hoạt của hoàng gia...
Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng
Theo báo cáo mới nhất của PAC, ngân sách dành cho Hoàng gia Anh trong tài khóa 2013 vào khoảng 51 triệu USD nhưng số tiền này đã bị bội chi gần 4 triệu USD. Để bù đắp cho phần thiếu hụt, hoàng gia đã buộc phải rút tiền từ một quỹ dự trữ khiến nó chỉ còn khoảng 1,6 triệu USD, quá ít ỏi nếu so với con số 58 triệu USD hồi năm 2001.
Báo cáo nhận định rằng việc tiền dự trữ của Hoàng gia Anh xuống mức “thấp kỷ lục” có thể khiến họ không đủ tiền trang trải cho những tình huống bất ngờ trong thời gian tới.
Báo cáo nêu trên cũng phần nào cung cấp bức tranh chi tiết về những chi tiêu của Hoàng gia Anh trong năm vừa qua. Lương nhân viên là khoản chi tiêu lớn nhất của hoàng gia khiến vấn đề này trở thành một trong những nội dung được PAC tranh luận nhiều nhất. Theo báo cáo, số nhân viên làm việc cho hoàng gia hầu như không thay đổi nhưng tiền lương của họ lại tăng đáng kể.
Chi phí sinh hoạt của Hoàng gia Anh cũng cao hơn trong năm 2013. Cụ thể, họ đã chi hơn 1,1 triệu USD tiền điện, 1,7 triệu USD tiền gas, 0,33 triệu USD tiền nước và 0,33 triệu USD tiền điện thoại. Báo The Guardian (Anh) đã đưa ra một so sánh nhỏ: tiền điện bình quân của một hộ gia đình Anh vào khoảng 2.100 USD. Điều này có nghĩa là tiền điện của hoàng gia tương đương tiền điện của 2.288 hộ gia đình tại Anh cộng lại. Tiền ăn uống của hoàng gia trong năm 2013 vào khoảng 2,3 triệu USD...
Hoàng gia Na Uy: “Quán quân” chi tiêu
Theo cuộc nghiên cứu mới nhất của GS Herman Matthijs, ngành khoa học quản trị và tài chính công thuộc Đại học Ghent (Bỉ), hoàng gia các nước Na Uy và Hà Lan đã qua mặt “đối thủ” ở Anh về khoản chi tiêu. Cụ thể, Hoàng gia Na Uy đã chi 60 triệu USD trong năm 2012, theo sau là Hoàng gia Hà Lan (56,7 triệu USD). Đây là sự tụt hạng đáng chú ý bởi cuộc nghiên cứu năm 2010 của ông ghi nhận Hoàng gia Anh khi đó vẫn còn ở vị trí dẫn đầu.
“Nghèo” nhất châu Âu là Hoàng gia Tây Ban Nha khi chỉ có được 11,3 triệu USD để chi tiêu trong năm 2012. Hoàng gia của một số nước khác có tên trong danh sách là Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch và Luxembourg.
Kỳ tới: Cung điện xuống cấp
Bình luận (0)