Dù vậy, một cuộc khảo sát mới được chính phủ nước này công bố hôm 29-3 đã hé lộ một thực tế không khỏi gây sốc: Khoảng 613.000 người trong độ tuổi 40-64 (phần lớn là nam giới) bị xem là người sống ẩn dật. Trong số này, 38,3% người trong độ tuổi 40, 36,2% trong độ tuổi 50 và 25,5% trong độ tuổi 60-64. Đáng chú ý, có đến 46,7% sống ẩn dật trong ít nhất 7 năm. Ngoài ra, gần 20% nói họ sống theo cách này trong hơn 20 năm.
Đáng chú ý, 1/3 số "hikikomori" nói trên sống phụ thuộc về tài chính vào cha mẹ già của họ. Ngoài ra, 36,2% người cho biết về hưu là lý do khiến họ sống ẩn dật. Trong khi đó, 21,3% người viện lý do là những rắc rối liên quan đến quan hệ với người khác. Cũng có 21,3% người nêu lý do bệnh tật, ốm đau. Khoảng 19,1% người nói họ không cảm thấy không phù hợp với nơi làm việc của mình.
Một sự kiện được tổ chức để giúp người sống ẩn dật tái hòa nhập với xã hội tại TP Sapporo gần đây. Ảnh: Kyodo
Trong khi đó, báo Asahi nhận định kết quả trên nêu bật tình trạng dân số ngày càng già ở Nhật Bản, khiến hiện tượng "hikikomori" cũng bị lão hóa theo. Vấn đề "8050" bắt đầu được nói đến nhiều, theo đó những bậc cha mẹ trong độ tuổi 80 buộc phải chăm sóc những đứa con độc thân trong độ tuổi 50 dưới một mái nhà, khiến cả cha mẹ và con cái đều bị cô lập khỏi xã hội.
Không ít nhà hoạt động đã lên tiếng thúc giục chính phủ xem đây là vấn đề khẩn cấp và xem xét kỹ hơn hiện tượng lão hóa của người ẩn dật. Theo họ, khi người ẩn dật ngày càng lớn tuổi và thêm cô lập, rất khó để gia đình họ tìm kiếm sự tư vấn từ bên ngoài.
Trước đây, nhà chức trách Nhật đã vài lần tiến hành khảo sát về vấn đề "hikikomori" nhưng chỉ tập trung vào đối tượng từ 15 đến 39 tuổi. Trong cuộc khảo sát gần đây nhất hồi năm 2015, ước tính có 541.000 người trong nhóm tuổi này bị xem là người ẩn dật.
Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính hơn 1 triệu người đang bị xem là sống ẩn dật ở nước này. "Tình trạng hikikomori ở người trưởng thành là vấn đề xã hội mới, cần được giải quyết một cách thích hợp thông qua các nghiên cứu và phân tích" - Bộ trưởng Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Takumi Nemoto nhận định với hãng tin Kyodo về kết quả cuộc khảo sát đầu tiên nhằm vào nhóm tuổi 40-64 nói trên.
Trong khi đó, ông Tamaki Saito, chuyên gia về tâm thần học, thúc giục Tokyo có giải pháp đối phó vấn đề hikikomori dựa trên kết quả cuộc khảo sát mới nhất, như hỗ trợ việc làm cho người sống ẩn dật trung niên và tạo điều kiện để những người đang hoặc từng rơi vào cảnh ngộ này gặp nhau để chia sẻ trải nghiệm của mình.
Bình luận (0)