Đúng giờ, nhà hát Opera và cầu cảng Sydney nổi tiếng ở TP Sydney – Úc chìm trong bóng tối nhân 10 năm Giờ Trái đất. Đúng thời khắc này, nhiều tòa nhà ở bến cảng tắt điện và các thiết bị không thiết yếu trong vòng 60 phút để cùng nâng cao nhận thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.
Sau đó, các tòa nhà chọc trời ở Cảng Victoria của Hồng Kông cũng đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi. Trong khi đó, tại ngôi chùa thiêng liêng nhất của Myanmar là Shwedagon, 10.000 ngọn đèn dầu được thắp sáng. Tòa nhà Sony nằm trong khu Ginza (Tokyo – Nhật Bản) tắt hết đèn trong buổi tối thứ bảy. Tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ, Đài tưởng niệm tại công viên India Gate cũng tham gia Giờ Trái đất.
Người phát ngôn tổng thống Philippines Ernesto Abella cũng kêu gọi người Philippines tham gia Giờ Trái đất năm 2017. Ông Ernesto cho rằng đây là dịp để tái khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu và thể hiện tinh thần đoàn kết với các nước trên thế giới trong cuộc chiến này.
Cầu cảng Sydney - Úc tham gia chương trình Giờ Trái đất. Ảnh: EPA
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hàng năm bắt đầu từ một sự kiện tắt đèn tại Sydney năm 2007 với 2,2 triệu người tham gia. Khi đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ.
Các nhà khoa học ghi nhận năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp nhiệt độ trung bình của Trái đất đạt mức cao kỷ lục. Hồi năm 2015, tại thủ đô Paris – Pháp, các quốc gia đã đồng ý hạn chế nhiệt độ của trái đất không tăng nhiều hơn 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Khu vực Marina Bay của Singapore tham gia sự kiện Giờ Trái đất hôm 25-3 Ảnh: THE STRAITS TIMES
Công trình biểu tượng của thủ đô Tokyo - Nhật Bản là tháp Tokyo cũng tắt đèn trong buổi tối 25-3. Ảnh trước và sau khi tắt đèn. Ảnh: REUTERS
Bình luận (0)