xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi thiên tài "nổi loạn"

ĐỖ QUYÊN

Người mua vẫn quyết định lấy bức tranh với giá đã chốt 1,4 triệu USD trong phiên đấu giá dù nó không còn lành lặn

Chuyện lạ lùng chưa từng có trong làng nghệ thuật thế giới đã xảy ra tại cuộc đấu giá của hãng Sotheby’s ở thủ đô London - Anh hồi đầu tháng này: Bức tranh tự hủy thành nhiều mảnh ngay sau tiếng gõ búa chốt mức giá lên tới 1,4 triệu USD.

Sự tinh quái của "thánh sống"

Người xem trải qua những tâm trạng cũng lạ lùng không kém, từ há hốc miệng kinh ngạc đến cười lớn sau khi nửa dưới của bức tranh "Girl with red balloon" (tạm dịch: Bé gái với bóng bay đỏ) trượt khỏi chiếc khung mạ vàng cầu kỳ và bị cắt nhỏ theo chiều dọc - như khi vừa cho giấy vào máy hủy tài liệu.

Có vẻ kỳ lạ khi xuất hiện tiếng cười phấn khích của những người tham dự đấu giá trước cảnh tượng bức tranh trị giá cả gia tài bị cắt vụn. Tuy nhiên, tên của tác giả bức tranh có thể giải thích được nhiều điều: Banksy - nghệ sĩ tài năng được coi là biểu tượng của nghệ thuật đường phố đương đại, đồng thời cũng tinh quái có tiếng.

Những câu chuyện liên quan đến nghệ sĩ lừng danh nhưng chưa bao giờ lộ diện này không ngừng khiến thế giới đi từ hết cú sốc này tới cú sốc khác. "Banksy được cho là nghệ sĩ đường phố Anh vĩ đại nhất và tối nay, chúng ta đã được thấy một phần sự tinh quái của thiên tài" - Giám đốc cấp cao của nhà đấu giá Sotheby’s Alex Branczik phát biểu sau phiên đấu giá kỳ quái.

"Sự thôi thúc phá hủy cũng là sự thôi thúc sáng tạo" - vị họa sĩ "giấu mặt" viết trên tài khoản Instagram cá nhân khi lý giải về quyết định phá hủy bức tranh mà ông vẽ cách đây 12 năm, ngay trong buổi đấu giá ngày 5-10. Ông Banksy tiết lộ cách đây vài năm, ông đã bí mật lắp đặt một thiết bị hủy tài liệu bên trong bộ khung của bức "Girl with red balloon" nhằm đề phòng trường hợp tranh được mang ra bán đấu giá.

Chưa hết, vị nghệ sĩ vốn được không ít người trong giới graffiti tôn là "thánh sống" còn đăng clip cho thấy tường tận quá trình cài cắm thiết bị vào khung tranh. Trong đó, một người không rõ mặt trong chiếc áo trùm đầu đang lắp những lưỡi dao sắc vào khung bức tranh "Girl with red balloon".

Nguyên nhân của hành động được cho là "chơi ngông" này vẫn chưa được làm rõ. Trước đó, vị họa sĩ ẩn danh từng khẳng định ông không thích tranh của mình được bán cho người trả giá cao nhất. Thậm chí, cách đây vài năm, Banksy từng sáng tác một bức tranh chế giễu hoạt động đấu giá các tác phẩm nghệ thuật với dòng chữ: "Tôi không thể tin các người lại thực sự mua thứ vớ vẩn này"!

Khi thiên tài nổi loạn - Ảnh 1.

Nhân viên nhà đấu giá Sotheby’s và bức tranh “Girl with red balloon”, nay đã mang tên mới là “Love is in the bin” Ảnh: REUTERS

Tác phẩm mới

Ai là người đã "bấm nút" kích hoạt thiết bị hủy bức tranh "Girl with red balloon" cũng là điều chưa được tiết lộ. Trong khi đó, sau những sửng sốt ban đầu, dư luận chuyển sang ngờ vực bất kỳ gã kính đen nào trong buổi đấu giá đi vào lịch sử của Sotheby’s. Tuy nhiên, nếu mục đích của Banksy lần này là làm mất hứng người đã chi khoản tiền kỷ lục để mua bức "Girl with red balloon" thì có vẻ ông đã gặp một khách hàng không phải "dạng vừa". Hôm 11-10, phía Sotheby’s cho biết người mua "Girl with red balloon" - sau khi tự hủy đã mang một cái tên mới là "Love is in the bin" (Tình yêu trong thùng rác) - quyết định vẫn giữ lại tác phẩm với mức đã chốt tại phiên đấu giá với bức tranh lành lặn.

Người mua bức tranh là một phụ nữ châu Âu, một nhà sưu tầm vốn là khách hàng lâu năm của Sotheby’s. Bà bày tỏ: "Tôi đã rất ngạc nhiên trong giây phút bức tranh bị cắt. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng mình vừa chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử của nghệ thuật". Trong khi đó, ông Branczik khẳng định "Banksy không phá hủy mà đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới. "Love is in the bin" là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử được tạo ra từ buổi đấu giá".

Hình ảnh cô gái nhỏ với tay theo quả bóng bay đỏ hình trái tim đang cuốn theo chiều gió trong bức tranh gây sốt nói trên xuất hiện lần đầu tiên trên thành cầu Waterloo ở trung tâm thủ đô London năm 2002. Gần đó có dòng chữ in hoa "There is always hope (Luôn có hy vọng). Bức bích họa có tên "Girl with red balloon" về sau được vẽ trên nhiều bức tường khác ở London. Nghệ sĩ Banksy nhiều lần dùng phiên bản tranh tường này của mình để ủng hộ các chiến dịch xã hội, trong đó có chiến dịch liên quan tới bức tường Bờ Tây năm 2005 hay về khủng hoảng tị nạn Syria năm 2014…

Bức tranh được tác giả đưa lên vải bố (canvas) năm 2006, bằng sơn phun, sơn Acrylic với kích thước 101 cm x 78 cm x 18 cm rồi đưa cho một người bạn. Khi bức tranh tới tay nhà đấu giá Sotheby’s cho phiên đấu giá hôm 5-10, họ cũng không hề hay biết nó đã được sắp đặt để tự hủy.

Các tác phẩm của Banksy luôn được nhiều nhà sưu tầm trên khắp thế giới săn đón với mức giá ngất ngưởng. Thế nhưng, vị nghệ sĩ nổi loạn với những tác phẩm mang thông điệp chính trị mạnh mẽ này không thích tác phẩm của mình tới những cuộc triển lãm hào nhoáng hay phòng trưng bày sang trọng mà muốn được tới những nơi gần nhất với công chúng. Banksy đã lọt vào danh sách "Những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới" của tạp chí Time năm 2010, bên cạnh những nhân vật nổi trội khác như Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama, Steve Jobs… 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo