Nửa đêm 21-12-2012, một bức rèm ánh sáng chói chang xuất hiện trên bầu trời Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Thành phố này nằm rất xa Bắc Cực vì vậy rất hiếm người thấy được bình minh Bắc Cực. Nhưng sự kinh ngạc thú vị của những người dân New York không kéo dài được lâu. Chỉ vài giây sau, tất cả những bóng đèn trong nhà họ cũng như ngoài đường chớp tắt liên hồi rồi bừng sáng một cách mạnh mẽ trước khi phụt tắt. Trong vòng 90 giây, toàn nước Mỹ mất điện hoàn toàn.
Bão mặt trời. Ảnh: Worldpress.com
Hiện tượng kỳ lạ kể trên đồng loạt xảy ra gần như cùng một lúc ở tất cả mọi khu vực trên thế giới, từ châu Âu đến Trung Quốc, Nhật Bản. Hậu quả nhãn tiền: Tất cả những hạ tầng cơ sở trọng yếu bị tê liệt hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Trong những tuần và những tháng tiếp theo, hàng triệu người chết.
Bão mặt trời
Tai họa đến từ đâu? Từ mặt trời. Từ một cơn bão dũng mãnh trên mặt trời nằm cách xa trái đất 150 triệu km. Một kịch bản tương tự đã được mô tả cực kỳ ấn tượng trong 2012 - ngày tận thế, một trong những bộ phim ăn khách nhất hiện nay với số doanh thu kỷ lục: 225 triệu USD (4.162,5 tỉ đồng) trên toàn thế giới ngay trong suất chiếu ra mắt đầu tiên.
Nhưng đó không phải hoàn toàn do trí tưởng tượng “đẻ” ra. Nó đã được mô tả chi tiết trong một bản báo cáo khoa học hết sức nghiêm túc của Viện Hàn lâm Quốc gia Khoa học Mỹ (NAS). Công trình nghiên cứu khoa học này đã được NASA (Cơ quan Không gian Mỹ) tài trợ và công bố hồi tháng 1-2009.
Như mọi người đều biết bề mặt mặt trời được bao phủ bởi một lớp plasma (loại khí có số lượng hạt mang điện âm - dương tương đương nhau) luôn trong tình trạng vận động. Một số lượng hạt này được phóng thích trong không gian vũ trụ tạo thành “gió mặt trời”. Những cơn gió này có thể vận chuyển những bọt khí khổng lồ chứa một tỉ tấn plasma. Khi một số bọt khí đó chạm vào từ trường trái đất, chúng gây ra những hậu quả tàn khốc.
Bão mặt trời là một hiện tượng dữ dội nhất trong lịch sử khí hậu không gian. Nhà thiên văn không chuyên Anh Richard Carrington là người đầu tiên phát hiện và quan sát nó hồi năm 1859. Hiện tượng này lúc đó kéo dài 8 ngày. Người ta chứng kiến những buổi bình minh Bắc Cực ngoạn mục đồng thời các dịch vụ điện báo bị rối loạn nghiêm trọng. Nó bộc lộ tất cả những yếu kém rất lớn của xã hội loài người: Đó là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hệ thống điện với các hệ thống và hạ tầng cơ sở thiết yếu như xử lý và cung cấp nước sinh hoạt, mạng lưới cung cấp hàng hóa cho các siêu thị, hệ thống kiểm soát các nhà máy điện, thị trường tài chính...
Điện, nước đều hết
Một trận bão mặt trời lớn có thể gây ra một thảm họa tàn khốc chưa từng thấy. John Kapperman, một chuyên viên về phân tích năng lượng, giải thích: “Bình thường khi xảy ra thiên tai, các nước kém phát triển bị ảnh hưởng nhiều nhất chứ không phải những nước giàu có trang bị những công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng trong trường hợp xảy ra bão mặt trời, chính những nước giàu có, phát triển ở trình độ cao, bị thiệt hại nặng nhất”.
Nước sinh hoạt là nguồn tài nguyên đầu tiên bị cạn kiệt. Những người ở trong những căn hộ cao ốc cao chót vót sẽ bị ảnh hưởng trước nhất. Không có nước, không có điện, cuộc sống của họ giống như ở địa ngục. Với những người khác, vòi nước có thể chảy được nửa ngày. Khi các hồ nước dự trữ khô cạn và máy bơm cũng không thể hoạt động, nước sẽ không còn.
Tất cả các phương tiện vận chuyển chạy bằng điện như xe lửa, xe điện ngầm, xe điện mặt đất... sẽ chết gí tại chỗ. Những cỗ máy phát điện dự phòng được huy động để bố trí ở những nơi xung yếu nhất. Nhưng chúng chỉ có thể chạy tới chừng nào hết nhiên liệu và trở thành những đống sắt vô dụng. Ở các bệnh viện, điều đó có nghĩa là các dịch vụ y tế chỉ hoạt động được tối đa 72 giờ. Còn sau đó, y học tân tiến chỉ còn là một ý niệm. Máy móc trong các bệnh viện tê liệt cũng đồng nghĩa với sự tuyệt vọng của các bệnh nhân.
Nhưng kịch bản tồi tệ nhất là tình hình bi đát kể trên không thể phục hồi trong vòng vài tháng, thậm chí vài năm. Các máy biến thế bị bão mặt trời “nướng” không thể sửa chữa. Chúng sẽ được các máy biến thế dự phòng thay thế nhưng các máy này cũng không thể hoạt động được lâu. Chỉ có một giải pháp là thay thế sản phẩm mới. Nhưng công việc này cần nhiều thời gian, có thể là một năm sau khi các hệ thống điện được phục hồi hoàn toàn.
Chưa biết đối phó ra sao
Trong khi đó, không có điện, các hệ thống máy sưởi, máy lạnh và tủ lạnh đều bị tê liệt. Cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người sẽ chết. Đối với những bệnh nhân đang nằm viện chữa bệnh, tình hình cũng rất nguy hiểm. Thuốc chữa bệnh cạn dần. Trung tâm sản xuất dược phẩm quan trọng nhất nước Mỹ, bang
Theo bản báo cáo của NAS, kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra vào mùa xuân hoặc mùa thu năm 2012. Đây là năm mà mặt trời hoạt động mãnh liệt nhất. Hơn nữa vào tiết xuân phân (thời điểm tâm mặt trời trực diện với đường xích đạo, ngày và đêm dài như nhau), phương hướng của trái đất càng làm cho nó dễ bị những hạt của plasma làm tổn thương.
Trước cơn bão mặt trời, con người phải đối phó như thế nào? Chưa có ai có câu trả lời. Mục đích công bố báo cáo của NAS là mở một diễn đàn thảo luận công khai, với hy vọng tìm ra một giải pháp tối ưu. n
Kỳ tới: Lịch Maya có dự báo ngày tận thế?
Bình luận (0)