Yayat là người tràn trề hy vọng. Cô cù vào chân cậu bé để cho thấy nó vẫn còn cảm giác, nhưng bàn chân yếu hẳn. Nó không bao giờ có thể cử động được nữa. Chỉ mới tuần trước bệnh bại liệt được chính thức phát hiện tại Fikri, khi đứa trẻ đầu tiên được xét nghiệm dương tính đối với virus bại liệt trong 10 năm ở Indonesia. Năm trường hợp khác đã được xác nhận tại Indonesia, và hàng trăm đứa trẻ khác đã và đang được kiểm tra. “Virus có thể lan truyền trong vòng 1 tháng” – tiến sĩ Georg Petersen, đại diện tại chỗ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). “Chúng ta có thể chờ xem nhiều ca bệnh nữa”.
Ngôi làng Cidadap không đơn độc với nỗi đau của mình. Ngay cả khi người Mỹ chào mừng kỷ niệm lần thứ 50 của vắc-xin Salk – phương thuốc diệu kỳ giúp loại trừ bệnh bại liệt ở Mỹ, căn bệnh này đã và đang lây lan đến khắp nơi trên thế giới. Kể từ năm 2003 đến nay, bệnh bại liệt đã lan đến 16 quốc gia chủ yếu là Trung và Tây Phi, đến Trung Đông. Và với thông tin tuần qua rằng virus đã vượt qua Ấn Độ Dương sang Indonesia, các nước khác, bao gồm cả Mỹ, bắt đầu lo lắng về việc đâu là điểm đến sắp tới của bệnh bại liệt.
15 năm qua, các quan chức y tế thành công đáng kể trong nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt. Năm 1988, có 355.000 ca bệnh mới ở 125 quốc gia, phần lớn là các nước đang phát triển. Trong năm đó, 4 tổ chức – gồm WHO, Rotary International, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) – đã đặt mục tiêu tiêm ngừa vắc-xin để chấm dứt sự tồn tại của bệnh bại liệt, và với sự hỗ trợ của nhà nước và tư nhân, họ đã gần đạt đến mục tiêu này. Vào năm 2003, bệnh này được gói gọn trong 6 nước Nigeria, Niger, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ; và dự kiến biến mất hoàn toàn vào cuối năm nay. Nhưng không ai tính đến các giáo sĩ Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria.
Vào mùa hè năm 2003, các lãnh đạo vùng này ngưng tiêm chủng sau khi có những tin đồn lan truyền rằng vắc-xin có thể truyền AIDS và khiến các cô gái vô sinh. Các giáo sĩ Hồi giáo ở Nigeria thậm chí tin rằng vắc-xin ngừa bại liệt là một phần trong âm mưu của Mỹ làm cho người Hồi giáo “tuyệt nòi”. Hậu quả là 20% trong số 35 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nigeria không được cung cấp vắc-xin.
Con số nạn nhân ở Nigeria tăng từ 202 vào năm 2002 lên 355 vào năm 2003 và 792 vào năm 2004. Dù việc tiêm vắc-xin bắt đầu lại vào mùa hè vừa qua sau 11 tháng tẩy chay, nhưng cũng đã quá muộn để “dụ con quỷ vào lại trong chai”. Các ca bệnh bại liệt tương ứng với dòng virus gây bệnh ở Nigeria lần lượt gia tăng sang láng giềng bao gồm Chad, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Bờ Biển Ngà và Sudan. Tháng 11 vừa qua virus này xuất hiện ở Ả Rập Saudi, 2 tháng trước khi diễn ra haji (cuộc hành hương đến thánh địa Mecca), khi 2 triệu tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới hành hương đến Mecca. Yemen, một nước khác ở Trung Đông, ghi nhận 63 ca bại liệt kể từ khi bệnh bại liệt tái bộc phát ở nước này từ ngày 22-4. Yemen và Indonesia là những nước mới nhất trong số 16 nước không có bệnh bại liệt ghi nhận các ca bệnh mới kể từ năm 2003.
Tính tới thời điểm này, số ca bại liệt được ghi nhận trong năm 2005 là 198. Ngay cả khi được kết hợp với các ca bệnh của năm ngoái (1.267 ca trong đó riêng Nigeria có 792 ca, theo thống kê của WHO), con số tổng cộng vẫn chưa là gì so với con số hơn 1 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì bệnh sốt rét và 3 triệu người chết vì bệnh AIDS. Nhưng những sự lây lan lớn thường bắt đầu từ con số nhỏ. Hơn nữa, chỉ 1/200 ca thực sự gây bại liệt, trong khi những nạn nhân còn lại bị cảm, các triệu chứng giống cúm hoặc không có dấu hiệu mắc bệnh rõ ràng. Điều đó có nghĩa là virus vẫn có khả năng lây lan.
Bình luận (0)