Cụ Warren Patton, 73 tuổi, sống ở bang Kansas có người em sinh đôi Ward Patton mất tích tại chiến trường VN từ năm 1968. Gần 40 năm nay, cụ Warren vẫn không biết em mình còn sống hay đã chết, vùi xác ở đâu. Suốt từ đó đến, mỗi lần nghe tin có một lính Mỹ chết trận được tìm thấy hài cốt, cụ lại nghĩ đến người em trai xấu số. Cụ Warren chỉ biết một điều chắc chắn là em trai thuộc diện mất tích và nếu chết, mong tìm được hài cốt.
Niềm vui bất ngờ
Cho đến ngày 1-9 vừa qua, khi đọc báo The Kansas City Star cụ chợt thấy có tên Ward K. Patton trong danh sách MIA ở chiến trường VN. Cầm tờ báo, cụ Warren run cả hai tay và không tin ở mắt mình. Cả gia đình cụ vừa xúc động vừa vui sướng tưởng như người con trong gia đình sống lại. Danh sách MIA được đăng trong thông báo của quân đội tìm kiếm người thân của 28 lính Mỹ mất tích thuộc hai bang Kansas và Missouri. Trong danh sách MIA còn có tên một số lính Mỹ ở bang Missouri mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Một ngày không xa nữa, một đơn vị quân đội Mỹ đóng tại Hawaii sẽ xác minh chính xác trường hợp mất tích của người em trai cụ Warren qua việc xét nghiệm gien di truyền DNA của hai anh em cụ. Khi nghe giải thích điều này, cụ Warren thốt lên: “Lạy Chúa, tôi bị sốc, huyết áp tăng vọt lên. Lúc đầu không dám tin, nhưng đó đúng là sự thật, tôi cảm thấy nhẹ cả người, mong sự thật sớm được xác nhận”.
Cụ Warren nhớ lại tất cả những gì mà gia đình đã được quân đội Mỹ thông báo về trường hợp mất tích của hạ sĩ quan hải quân Ward K. Patton. Đó là vào khoảng 22 giờ rưỡi ngày 27-7-1968, tàu tuần tra của Ward Patton đậu tại một bến sông ở Mỹ Tho. Do hoảng loạn vì bị tập kích, Ward trượt chân xuống sông rồi bị nước cuốn trôi. Hải quân Mỹ đã tìm kiếm suốt mấy ngày mà không tìm thấy xác. Cả gia đình người lính Mỹ xấu số suy nghĩ rất nhiều, luôn tự hỏi phải chăng anh ta bị đối phương bắt sống hay đã chết? Mọi câu hỏi đều không được trả lời thỏa đáng ngoài kết luận mất tích!
Nỗi đau khôn nguôi
Sau khi em trai mất tích, cụ Warren hiếm khi gặp con trai Eric của em, khi đó 6 tuổi. Vì hai anh em ông song sinh nên giống nhau như đúc, vì vậy ông sợ gặp, cháu lại tưởng được gặp cha để rồi càng đau đớn hơn. Eric giờ đây là một sĩ quan cảnh sát ở thành phố Kansas City. Eric Patton nghẹn ngào nói bao nhiêu năm nay anh luôn phải sống trong buồn đau mất mát, nhiều lúc tưởng rằng cha mình vẫn còn sống hoặc là một tù binh chiến tranh chưa được trao trả. Eric Patton nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên chuyện đau buồn này. Năm đó tôi còn nhỏ nhưng đã biết tức giận khi hải quân Mỹ nói với gia đình tôi rằng họ sẽ chấm dứt việc tìm kiếm cha tôi. Giờ đây, chúng tôi đã nguôi ngoai phần nào vì có thể sắp được nhận hài cốt của cha tôi. Rồi đây, hình bóng cha tôi lại được đoàn tụ với gia đình. 39 năm đã trôi qua. Có lẽ chúng tôi phải chờ đợi thêm một thời gian nữa để đón cha tôi, dù chỉ là một ít hài cốt”.
Gánh nặng của quân đội Mỹ
Các đội chuyên trách tìm kiếm MIA của quân đội Mỹ còn nhiều việc phải làm và không ít thách thức phải vượt qua. Trung tá Mark Brown, sĩ quan của Bộ Chỉ huy hỗn hợp tìm tù binh và MIA, đóng tại Hawaii nói: “Nhiều nhân chứng cao tuổi của cuộc chiến ở VN, Lào và Campuchia đã qua đời nên việc tìm kiếm hài cốt MIA càng thêm khó khăn”.
Các chuyên gia đã cố gắng điều tra tại các chiến trường xưa và dò hỏi những người dân địa phương để tìm mộ hoặc nơi chôn cất lính Mỹ. Nhiều nơi đã thay đổi địa hình vì có những công trình xây dựng sau chiến tranh khiến việc tìm kiếm khó khăn dù dưới những nơi này có thể còn hài cốt lính Mỹ. Hiện nay có ít nhất 1.200 bộ hài cốt được cất giữ tại căn cứ không quân Hickam ở Hawaii chờ được xét nghiệm DNA, nhưng số được xét nghiệm kết quả không nhiều. Theo trung tá Mark Brown, bộ chỉ huy của ông ở Hawaii cố gắng tìm kiếm người thân của MIA, mong được họ giúp đỡ tích cực để việc xét nghiệm DNA đạt kết quả tốt. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và nghĩa tình đối với người đã khuất trong chiến tranh. Sự giúp đỡ và cảm thông của gia đình, người thân lính Mỹ mất tích sẽ góp phần làm giảm nỗi đau do chiến tranh để lại.
Bình luận (0)