“Điều đầu tiên chúng tôi bắt tay thực hiện là lập các chốt kiểm soát để tước hết vũ khí của mọi người, kể cả của các nhóm chống đối khác, bởi nếu không nó sẽ diễn ra cuộc tắm máu”- Najjair nói.
Ông nhận định tất cả các nhóm nổi dậy đều muốn kiểm soát Tripoli, đó là lý do cần phải vãn hồi trật tự. Ý kiến ông Najjair tập trung vào câu hỏi gai góc nhất sẽ phải đặt ra khi số phận chính trị của Gaddafi đang đi đến đoạn kết: Nhân vật nào đủ khả năng quy tụ để có thể dẫn dắt Libya nếu các lực lượng nổi dậy tiếp quản đất nước?
Tìm được thủ lĩnh có thể dẫn dắt Libya hiện nay quá khó. Ảnh: AFP
Lúc này thì dường như câu trả lời là “không”. Kamran Bokhari, Giám đốc phụ trách Trung Đông tại Cơ quan Tình báo toàn cầu Stratfor, cho rằng không một thủ lĩnh phe đối lập nào được mọi người kính trọng và đó là vấn đề.
Gaddafi đã điều hành đất nước theo mô hình tập quyền, sùng bái cá nhân mà không có thể chế nhà nước khiến mọi sự chuyển tiếp trở nên không dễ dàng đối với lực lượng nổi dậy - những người thừa lòng can đảm nhưng lại thiếu một hệ thống chỉ huy thích hợp.
Chủ nghĩa bè phái, sự chia rẽ giữa các dân tộc và bộ lạc cũng là những thách thức lớn. Thủ lĩnh phe nổi dậy nổi bật nhất là Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC), một nhóm khác hẳn với các đối thủ của ông Gaddafi có cơ sở ở thành phố Benghazi.
Nhóm này bao gồm các cựu bộ trưởng của chính phủ và những thành viên đối lập lâu đời, đa dạng về màu sắc chính trị, với những người theo Hồi giáo, chủ nghĩa dân tộc Ả Rập, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và các doanh nhân.
Từng là bộ trưởng tư pháp có xu hướng ôn hòa, ông Abdel Jalil được mô tả là một “nhà kỹ trị công bằng” trong một bức điện ngoại giao của Mỹ do nhà sáng lập WikiLeaks công bố. Là một nhà kiến tạo sự đồng thuận, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đánh giá cao vì góp phần cải cách luật hình sự của Libya.
Abdel Jalil đã từ chức bộ trưởng tư pháp vào tháng 2 khi chính quyền dùng bạo lực trấn áp những người phản kháng. Thế nhưng, như những cựu thành viên khác trong guồng máy chính quyền Gaddafi, ông sẽ luôn bị dò xét với sự ngờ vực của một số nhóm chống đối vốn thích những khuôn mặt hoàn toàn mới không có liên hệ gì trong quá khứ đối với chế độ hiện nay.
Trong khi đó, thủ tướng lâm thời của chính phủ thuộc phe nổi dậy, Mahmoud Jibril, một cựu quan chức phát triển hàng đầu thời ông Gaddafi, hiện có những mối liên hệ rộng với nước ngoài và là đặc sứ lưu động của phe nổi dậy. Tuy nhiên, những chuyến công cán của ông làm thất vọng một số đồng nghiệp và những người cảm tình ở nước ngoài.
Một nhân vật đối lập nổi tiếng khác có thể đóng vai trò lãnh đạo trong tương lai là Ali Tarhouni, một trí thức từ Mỹ trở về để phụ trách lĩnh vực kinh tế, tài chính và dầu mỏ của lực lượng nổi dậy.
Quả là gai góc khi phải tìm một thủ lĩnh tốt nhất từ các nhóm nổi dậy giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này. Một bước ngoặt mới đầy khó khăn đang chờ đợi họ.
Bình luận (0)