Viết trên mạng Twitter, ông chủ Nhà Trắng cho rằng những chỉ số tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 28 năm qua của Trung Quốc xuất phát từ xung đột thương mại với Mỹ và các chính sách mới.
Ông Trump có ý nhắc đến tốc độ tăng trưởng 6,6% của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm 2018, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Cuộc chiến thương mại giữa 2 nước đang tạm dừng sau khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tiến hành thương thảo để thu hẹp bất đồng.
Quan chức hai nước dự kiến tiến hành vòng đàm phán mới tại thủ đô Washington - Mỹ ngày 30-1 tới theo sau vòng đàm phán đầu tiên ở Bắc Kinh vào đầu tháng này.
Ông Uông Dương (trái) và các quan chức Mỹ tại cuộc đối thoại kinh tế chiến lược thường niên hồi tháng 7-2017. Ảnh: Reuters
Vẫn còn quá sớm để dự báo về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thuế quan hiện nay. Tuy nhiên, ông Ronnie Chan Chi-chung, một doanh nhân bất động sản Hồng Kông có nhiều liên hệ với giới chính khách Mỹ và chính phủ Trung Quốc, đã nhắc lại chuyện Bắc Kinh "không nhận ra các điểm mấu chốt" khi tiến hành đối thoại thương mại với Washington không lâu sau khi ông Trump vào Nhà Trắng.
Điều này khiến các nhà đàm phán rơi vào thế khó trong 18 tháng đầu tiên của chính quyền Trump.
Thời điểm đó, ông Uông Dương, khi ấy còn là Phó Thủ tướng Trung Quốc, đến Mỹ dự cuộc đối thoại kinh tế chiến lược thường niên với mục đích tìm kiếm một thỏa thuận thu hẹp thâm hụt thương mại của Washington và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cuộc gặp trở nên căng thẳng và chuyến đi của ông Uông Dương khép lại mà không có cuộc họp báo hoặc tuyên bố chung nào.
Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến thương mại sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Argentina hồi tháng 12-2018. Ảnh: AP
Theo ông Chan, Bắc Kinh khi đó thấy bối rối và bắt đầu phân tích xem chuyện gì đã xảy ra với một loạt câu hỏi, như liệu họ có làm gì sai, không trao cho Washington đúng thứ họ cần, đòi hỏi quá mức, sử dụng sai chiến thuật hoặc phái sai người đến Mỹ...
Ông Chan nhấn mạnh điều Trung Quốc không hiểu là ông Trump không hề muốn có một thỏa thuận vào thời điểm đó vì ông không đối mặt sức ép trong nước để làm thế.
"Nếu ông Trump không muốn có thỏa thuận, sẽ không có thỏa thuận nào" - ông Chan nhận định, đồng thời cho rằng bất kể Bắc Kinh đưa ra đề nghị gì, nó đều sẽ bị bác bỏ,
Ông Ronnie Chan. Ảnh: SCMP
Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ để tái cân bằng thương mại với Mỹ nhưng đó không phải là vấn đề chính trong quan hệ hai nước bởi có những vấn đề khác quan trọng hơn khiến mối quan hệ này xấu đi.
"Thương mại không phải là vấn đề quá quan trọng. Bất kỳ ai lo lắng quá nhiều về thương mại không phải là nhà quan sát nghiêm túc về mối quan hệ Mỹ-Trung. Vấn đề lớn hơn là công nghệ, điều dẫn đến vấn đề quân sự và quốc phòng... Đó là căn nguyên của vấn đề chiến tranh thương mại" - ông Chan giải thích.
Dù vậy, doanh nhân này tin rằng ông Trump sẽ muốn tìm kiếm thỏa thuận nếu phải đối mặt với áp lực kinh tế hoặc chính trị đủ mạnh trong nước.
Bình luận (0)