Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết động thái này là "phản ứng đầu tiên" trước việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa biển Đông. Năm 2012, Mỹ mời PLAN tham gia RIMPAC nhưng điều này không khiến Bắc Kinh kiềm chế tại biển Đông. Vì thế, bước đi nói trên chắc chắn cũng không làm Trung Quốc chùn bước trong tham vọng quân sự hóa biển Đông.
Với Bắc Kinh, việc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức độ quan hệ quân sự với Mỹ.
Vào năm 2011, sự kiện Mỹ quyết định mời PLAN tham dự RIMPAC 2012 là diễn biến đáng chú ý trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước. Là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới diễn ra 2 năm/lần, RIMPAC có tầm quan trọng về biểu tượng khi nêu bật một trật tự hàng hải ở Thái Bình Dương được hình thành dựa trên sức mạnh của Hải quân Mỹ.
Tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC tại Hawaii hôm 29-6-2016 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về chuyện PLAN có thu hoạch được gì về năng lực hoạt động sau khi tham gia các cuộc tập trận RIMPAC. Ngay cả khi bị hạn chế tham gia các hoạt động nhạy cảm nhất, quân đội Trung Quốc vẫn hưởng lợi từ việc tận mắt quan sát Hải quân Mỹ tiến hành nhiều hoạt động chung quy mô lớn, từ cứu trợ thiên tai đến kiểm soát trên biển.
Năm 2014, PLAN phái một tàu giám sát toàn bộ cuộc tập trận RIMPAC trong động thái bị xem là "không thân thiện". Bắc Kinh dường như muốn phát đi dấu hiệu họ đã không được đối xử như một đối tác bình đẳng.
Việc không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 cũng có ý nghĩ chính trị tương tự như khi mời nước này tham gia lần đầu tiên. Mỹ đang học hỏi từ Trung Quốc khi gắn kết hợp tác quân sự với những vấn đề khác trong mối quan hệ song phương. Cụm từ "phản ứng đầu tiên" nói trên ám chỉ sẽ có thêm biện pháp đáp trả nữa từ Mỹ.
Bình luận (0)