Vụ án của cô gái Noura Hussein đang thu hút sự chú ý của người dân Sudan và cả cộng đồng quốc tế. Vào ngày 10-5, Hussein bị tòa kết án tử hình vì tội giết chồng và chỉ có 15 ngày để kháng án.
Trước đó, cô gái bị gia đình ép gả cho một người họ hàng khi chỉ mới 15 tuổi và buộc phải bỏ trốn đến nhà của một người dì. Tuy nhiên, 3 năm sau Hussein bị chính cha mẹ lừa về nhà và giao cho gia đình chồng để hoàn tất đám cưới hồi tháng 4-2017.
Theo tờ Telegraph, sau khi bị từ chối quan hệ trong kỳ trăng mật, chồng của Hussein đã cưỡng hiếp cô với sự trợ giúp của 3 người thân. Khi anh ta định tiếp tục ép buộc cô quan hệ vào ngày hôm sau, cô gái đã chụp lấy 1 con dao và đâm chết chồng. Sau đó, Hussein bỏ trốn về nhà cha mẹ ruột và bị họ đưa đến cảnh sát.
Noura Hussein và chồng trong đám cưới. Ảnh: Adil Mohamed Al-Imam
Theo luật Sudan, hành vi cưỡng ép quan hệ trong hôn nhân không bị xem là cưỡng hiếp nên không phải là tội ác. Vì vậy, Hussein bị kết án tử hình vì tội giết chồng. Đội hỗ trợ pháp lý đại diện cho cô gái 19 tuổi đã làm đơn kháng án tại thủ đô Khartoum vào ngày 24-5 sau khi cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt phán quyết trên.
Đội hỗ trợ pháp lý và các nhà hoạt động ủng hộ Hussein nói cuộc hôn nhân của cô không có giá trị vì theo luật Sudan, Hussein phải kết hôn dưới sự chứng kiến của thẩm phán vì chưa đủ 18 tuổi.
Ngoài ra, họ còn đưa một giám định y khoa ra làm bằng chứng vào thời điểm Hussein bị bắt hồi tháng 5-2017. Theo kết quả giám định, trên người cô gái 19 tuổi có nhiều vết thương vì tự vệ như vết cắt trên 2 tay, vết cắn trên vai và chiếc giường bị sập khi vật lộn với chồng.
Đài CNN dẫn lời các nguồn tin pháp lý Sudan cho biết khi bị bắt, Hussein bị thẩm vấn mà không có sự hiện diện của luật sư. Cũng theo nguồn tin này, cô gái cáo buộc rằng cô bị cảnh sát đe dọa trong suốt quá trình thẩm vấn ban đầu.
Khi đó, Hussein đã thú nhận hành vi giết chồng sau rồi kiên quyết nói rằng cô bị cha và chú ép kết hôn. Tuy nhiên, gia đình chồng phủ nhận hành vi cưỡng hiếp và khẳng định con trai họ là chồng của Hussein.
"Tôi rất lạc quan. Tôi tin là chúng tôi sẽ kháng án thành công. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa vụ án lên tòa án tối cao. Đây là một hành trình dài" - Nahid Gabralla, giám đốc một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ các nạn nhân và người sống sót trong các vụ bạo lực giới tính ở Khartoum, nói với đài CNN.
Bình luận (0)