Tuy nhiên, là nước đã ký Hiệp ước Hợp tác hữu nghị và tương trợ năm 1961 với Triều Tiên - trong đó có điều khoản về liên minh quân sự, Bắc Kinh sẽ không ngồi bên lề theo dõi.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1946-1991), giới lãnh đạo Triều Tiên tận dụng sự xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc để hưởng lợi từ hai phía. Liên Xô tan rã khiến Bắc Kinh trở thành nguồn hỗ trợ duy nhất cho Bình Nhưỡng và tầm quan trọng của Trung Quốc đối với an ninh Triều Tiên chỉ tăng chứ không giảm.
Năm 1992, khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ chính thức với Seoul, Bình Nhưỡng bắt đầu điều chỉnh chính sách đối ngoại. Họ bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân và chủ động tìm cách đối thoại trực tiếp với Mỹ. Hai biện pháp mạnh tay này không phải chỉ nhằm đối phó với Hàn Quốc và Mỹ mà còn buộc Trung Quốc phải tôn trọng cam kết bảo vệ an ninh cho Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở tiệc đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi cuối tháng 3 Ảnh: ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA TRIỀU TIÊN
Tầm quan trọng chiến lược của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh vẫn nguyên vẹn. Do đó, Trung Quốc sẽ không để mình bị đẩy sang bên lề trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Hội đàm trực tiếp Mỹ - Triều không khiến Trung Quốc lo ngại bởi họ biết rõ Bình Nhưỡng không đời nào đem an ninh và sự ổn định chế độ của mình ra mặc cả với Mỹ.
Dù không có bất kỳ cuộc họp cấp cao nào trước khi ông Kim Jong-un bất ngờ sang thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 3, Trung Quốc vẫn xem sự ổn định chính trị ở Bình Nhưỡng là mục tiêu tối quan trọng. Triều Tiên sụp đổ và bị hợp nhất với Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ - là kết cục mà Trung Quốc không muốn thấy.
Một lý do nữa khiến Trung Quốc quyết không bị bỏ rơi nằm ở lịch sử: Vị thế vô song mà họ có được khi bàn về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên đã phải trả bằng cái giá rất đắt. Gần 400.000 binh lính Trung Quốc thương vong trong cuộc chiến Triều Tiên (1951-1953) và nhiều người trong số đó còn nằm lại Triều Tiên. Mục đích của họ là không để bán đảo Triều Tiên trở thành một nguy cơ an ninh với Trung Quốc.
Chính sách bảo vệ Bình Nhưỡng của Trung Quốc may ra chỉ thay đổi khi Mỹ rút lực lượng khỏi Hàn Quốc và bán đảo Triều Tiên thống nhất đi theo con đường trung lập, như Áo chẳng hạn.
Bình luận (0)