Dịch cúm heo bước vào giai đoạn mới nguy hiểm sau khi số người chết bị nghi do cúm heo gây ra có thể lên đến 152 và số người nghi nhiễm tăng lên gần 2.000 người ở Mexico hôm 27-4.
Chưa có vắc xin phòng cúm heo
Theo hãng tin AP, số trường hợp nhiễm cúm heo được xác nhận trên khắp thế giới hôm 28-4 tăng lên 92, bao gồm 50 ở Mỹ, 20 ở Mexico, 11 ở New Zealand, 6 ở Canada, 2 ở Scotland, 2 ở Tây Ban Nha và 1 ở Israel. Ngoài ra, hàng trăm trường hợp nghi nhiễm khác đang được xét nghiệm.
Trước sự lây lan của dịch cúm heo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không còn có thể khống chế đợt bùng phát cúm heo ở Mexico và các nước cần tập trung vào việc giảm nhẹ tác động của dịch bệnh. Dù vậy, WHO cho biết họ không đề nghị đóng cửa biên giới hoặc hạn chế đi lại – những biện pháp mà theo trợ lý tổng giám đốc WHO Keiji Fukuda là không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn sự di chuyển của virus cúm heo.
|
Tại Mỹ, hầu hết trường hợp nhiễm cúm heo đều ở mức độ không nghiêm trọng và không gây chết người. Dù vậy, nước này vẫn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra bằng cách phái người và đưa trang thiết bị đến những vùng bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin tại mọi cấp của chính phủ và với những nước khác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận có lý do để lo ngại về dịch cúm heo nhưng kêu gọi người dân bình tĩnh.
Bên cạnh tình hình dịch bệnh, một vấn đề cũng được quan tâm nhiều là liệu có vắc xin nào phòng chống được cúm heo hay không.
WHO nâng cấp độ cảnh báo từ 3 lên 4 Trong cuộc họp vào tối 27-4 tại Geneva, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức độ cảnh báo của đợt bùng phát bệnh cúm heo lần này từ cấp độ 3 lến cấp độ 4 trên bậc thang cảnh báo đại dịch từ 1 đến 6. Theo WHO, cấp độ 4 thể hiện nguy cơ bệnh cúm lan truyền từ người sang người và bùng phát ở quy mô cộng đồng. Ở cấp độ 3, bệnh chỉ xuất hiện rải rác ở một nhóm nhỏ người dân và sự lây truyền virus từ người sang người chưa bùng phát – chẳng hạn như trong trường hợp người bệnh lây sang người chăm sóc. Cấp độ 5 là cảnh báo khẩn cấp rằng trận đại dịch gần kề và cấp độ 6 là đại dịch chính thức được công bố. Tr. Lâm |
Các chuyên gia CDC và WHO đã thu thập các mẫu bệnh phẩm của virus cúm heo mới H1N1 dùng để tạo ra vắc xin nếu cần và vẫn đang cân nhắc về việc này. WHO ước tính phải mất từ 4 đến 6 tháng để bào chế được loại vắc xin phòng cúm heo.
Tăng cường đối phó cúm heo
Ngay sau khi WHO nâng mức báo động đại dịch, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch cúm heo lây lan. Mỹ khuyến cáo người dân hủy các chuyến đi không thật sự quan trọng đến Mexico đồng thời tăng cường giám sát những người đến Mỹ.
Tương tự, Liên hiệp châu Âu (EU) khuyên người dân hoãn các chuyến đi không cần thiết đến Mexico và một phần nước Mỹ. Chính phủ Nga cho biết sẽ kiểm tra mọi chuyến bay đến từ Mỹ.
Các nước và vùng lãnh thổ tại châu Á – nơi từng bị nhiều dịch bệnh hoành hành trước đó - tỏ ra đặc biệt đề phòng dịch cúm heo. Theo hãng tin AP, Chính phủ Nhật Bản hôm 28-4 thúc giục người dân tránh đến Mexico và những nước bị tác động bởi cúm heo.
Ngoài ra, các nhóm bác sĩ, y tá và quan chức chính phủ nước này bắt đầu lên các chuyến bay đến từ Mexico, Mỹ và Canada để tìm kiếm dấu hiệu bệnh cúm heo từ hành khách. Cùng ngày, Chính phủ Trung Quốc cũng công bố các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn, đồng thời cam kết sẽ công bố nhanh chóng bất kỳ trường hợp người nhiễm cúm heo nào bị phát hiện ở nước này.
Thêm hoang mang vì động đất Một trận động đất 5,6 độ Richter xảy ra gần thành phố Chilpancingo của bang Guerrero thuộc vùng bờ biển miền Trung Mexico, cách Mexico City 210 km về phía Tây Nam, hôm 27-4, làm 2 tòa nhà bị hư hại giữa lúc tình hình dịch cúm heo đang bùng phát khiến người dân càng thêm hoang mang, lo sợ. Hãng tin AP dẫn lời cảnh sát địa phương cho rằng ít nhất có 2 phụ nữ cao tuổi thiệt mạng vì lên cơn đau tim sau trận động đất. Một số nhà cửa bị hư hại. Nhà phân tích thuộc cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) Don Blakeman cho rằng cư dân tại Mexico City cảm thấy trận động đất này rất mạnh vì tâm địa chấn tương đối nông và bên dưới mặt đất của Mexico City trước đây là lòng hồ nên bị rung chuyển mạnh. Vì thế, giống như nhiều người khác, một nhân viên công tác xã hội tại đây tên là Sarai Luna Pajas than thở: “Tôi sợ. Người Mexico chúng tôi chưa từng trải qua nỗi sợ hãi dồn dập như vậy. Từ khủng hoảng kinh tế, bệnh tật rồi đến chuyện này. Nó giống như tận thế”. L. Nguyễn |
Bình luận (0)