Giới chức Mỹ hôm 12-1 cho biết quyết định từ chức của ông Feeley đã được thông báo cho các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 27-12-2017.
"Là một nhân viên ngoại giao, tôi đã cam kết phục vụ tổng thống và chính quyền ngay cả khi tôi có thể không đồng ý với các chính sách nhất định. Nếu tôi tin rằng tôi không thể làm điều đó nữa, tôi sẽ ngẩng cao đầu và từ chức. Thời điểm đó giờ đã tới" - ông Feeley viết trong đơn từ chức.
Ông John Feeley. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận quyết định từ chức của ông Feeley, đồng thời cho biết ông đã thông báo với Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Panama về quyết định từ chức vì lý do cá nhân từ ngày 9-3 năm nay.
Phát biểu trước các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein nói ông biết thông tin đại sứ Feeley từ chức vào sáng 11-1.
"Mọi người đều có một lằn ranh mà họ sẽ không vượt qua. Nếu đại sứ cảm thấy ông ấy không thể phục vụ nữa, ông ấy có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho chính mình và chúng tôi tôn trọng điều đó" – ông Goldstein đồng cảm.
Các quan chức Wahington từ chối bình luận về lý do ông Feeley rời bỏ chức vụ sau một thời gian dài làm việc - phần lớn là về các vấn đề Mỹ Latinh.
Reuters cho hay một số chính sách của Tổng thống Donald Trump trong khu vực được xem là mang tính "thù địch" đối với khu vực Mỹ Latinh. Chính quyền Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư từ Mỹ Latinh, đặc biệt là động thái trục xuất hàng trăm ngàn người nhập cư từ El Salvador, Haiti và Nicaragua.
Thông tin về sự ra đi của ông Feeley xuất hiện vào thời điểm Tổng thống Donald Trump đang bị chỉ trích vì phát biểu không hay về Haiti và các nước châu Phi cũng như không liên quan đến bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ. Hôm 12-1, ông chủ Nhà Trắng phủ nhận việc sử dụng từ "bẩn thỉu" để mô tả các quốc gia này.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump phát biểu gây tranh cãi tại một cuộc họp về nhập cư hôm 11-1. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin - người cũng tham dự cuộc họp - nói với các phóng viên rằng Tổng thống Donald Trump sử dụng ngôn ngữ "thô lỗ", bao gồm sử dụng từ "bẩn thỉu" nhiều lần khi nói về các nước châu Phi.
Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó viết trên Twitter: "Ngôn ngữ tôi sử dụng trong cuộc họp DACA (Chương trình Quyết định hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ) là cứng rắn nhưng (tôi không dùng từ ‘bẩn thỉu’)".
Trong khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn giữ im lặng thì Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho rằng đó là tình huống "không may và không giúp ích gì". Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Ryan chia sẻ gia đình mình đã di cư từ Ireland đến Mỹ để giúp xây dựng mạng lưới đường sắt quốc gia.
Chính phủ Haiti cho biết họ đã bị "sốc" vì phát biểu của Tổng thống Donald Trump và đã triệu tập một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, yêu cầu xin lỗi nếu ông chủ Nhà Trắng phát biểu như vậy.
El Salvador đã gửi công hàm phản đối tới Mỹ, còn Botswana cũng thông báo đã triệu tập đại sứ Mỹ ở nước này để "bày tỏ sự không hài lòng".
Bình luận (0)