Kênh ABC News (Mỹ) nhận định: Sau khi mất một phần đất đai ở Syria và Iraq vào tay các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn, IS đang tăng tốc gây đổ máu nhằm thu hút thêm người gia nhập. Những vụ tấn công gần đây với số thương vong cao còn cho thấy IS muốn qua mặt al-Qaeda và chứng tỏ IS là phong trào thánh chiến vượt trội nhất hành tinh.
Các vụ tấn công trên cho thấy IS có khả năng ra đòn đánh trúng nhiều đối thủ, chẳng hạn trong vụ máy bay A321, mục tiêu của IS là cả Nga và Ai Cập. Hơn nữa, IS hôm 18-11 tuyên bố đã giết chết 1 con tin Na Uy và 1 người Trung Quốc, bộc lộ ý đồ tiếp tục bắt cóc và sát hại con tin bên trong cái gọi là đế chế Hồi giáo của chúng. Dù không phải là nhóm khủng bố giết người nhiều nhất - theo thống kê của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), phong trào Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria giết tới 6.644 người trong năm 2014, còn IS giết 6.073 người - song phạm vi hoạt động của IS vô cùng đáng sợ.
Đối phó với IS, Nga và Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là đẩy mạnh đánh phá “hầu bao” của chúng. Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga ngày 18-11 thông báo các máy bay chiến đấu đã tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ và 500 xe chở dầu của ở Syria. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho hay sẽ tăng cường không kích các nhà máy lọc dầu, giàn khoan, kho chứa… trong tay IS hòng bóp nghẹt nguồn lợi nhuận chính (cung cấp hơn 1 triệu USD/ngày) cho chúng.
Không chỉ vậy, theo hãng tin Tass, Nga đã đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bản dự thảo nghị quyết mới về sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có IS. Pháp cũng có ý định soạn dự thảo nghị quyết riêng của nước này. Ngoài ra, các sĩ quan không quân Nga và Pháp hôm 19-11 điện đàm về nỗ lực chống IS chung tại Syria. Rõ ràng sự bành trướng của IS đã khiến các cường quốc chống khủng bố như Mỹ, Nga và Pháp xích lại gần nhau.
Tuy nhiên, liên minh trên - nếu có hình thành - vẫn chủ yếu là trên lý thuyết bởi bất đồng giữa các quốc gia này vẫn còn đó, theo báo The New York Times (Mỹ). Giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin là hố ngăn được tạo ra bởi mâu thuẫn về chuyện Nga sáp nhập Crimea, can dự vào cuộc xung đột ở Đông Ukraine và ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad… Theo Reuters, Tổng thống Obama hôm 19-11 lặp lại tuyên bố không thể đánh thắng IS nếu ông Assad còn nắm quyền ở Syria, đồng thời bác bỏ gợi ý rằng nhà lãnh đạo Trung Đông này có thể tham gia bầu cử trong tương lai.
Trong khi đó, theo hãng tin Newsru, Liên minh châu Âu thậm chí đang xem xét gia hạn trừng phạt đối với Nga theo 3 phương án là 6 tháng, 1 năm hoặc 3-4 tháng. Báo The Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin Washington cũng không có ý định giảm nhẹ trừng phạt Moscow.
Bình luận (0)