Biện pháp mạnh của Mỹ
Theo nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), các tên lửa bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển cách bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita của Nhật khoảng 300-350 km.
Quân đội Mỹ - Hàn lập nâng cao cảnh giác trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Vụ phóng tên lửa mới nhất chứng tỏ mối đe dọa từ Triều Tiên đã lên tầm cao mới”. Trong năm nay, Mỹ dự định triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Có thông tin Nhật Bản cũng đang cân nhắc lắp đặt THAAD.
Theo Yonhap, một số quan chức quân sự lo ngại Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng 6-3 và có khả năng bay tới bờ Tây của Mỹ. Tuy nhiên, quan chức Mỹ giấu tên đánh giá khả năng này rất thấp. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng nghiêng về quan điểm chúng là tên lửa tầm ngắn Scud (tầm bắn 500-700 km) hoặc tầm trung Rodong (1.300-1.500 km) bởi Triều Tiên “không có khả năng phóng nhiều ICBM cùng lúc”.
Theo tiết lộ ngày 5-3 của báo The New York Times (Mỹ), ê kíp cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây nhóm họp để thảo luận hàng loạt phương án đáp trả tên lửa Triều Tiên, bao gồm dùng tên lửa đánh vào các bãi phóng hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc. Mỹ rút mọi vũ khí chiến thuật khỏi Hàn Quốc vào tháng 9-1991 sau khi Washington kêu gọi cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên nhắm tới châu Phi
Âm thầm hơn mối lo ngại từ tên lửa, hạt nhân nhưng vũ khí Triều Tiên đang len lỏi sâu vào châu Phi. Trong khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Triều Tiên thì chính các nhân viên gìn giữ hòa bình của tổ chức này tại châu Phi lại sử dụng nhiều loại vũ khí do Bình Nhưỡng sản xuất.
Theo AP, nghịch lý này được ghi nhận trong báo cáo thường niên của Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên của LHQ, theo đó Bình Nhưỡng đang huấn luyện và trang bị quân sự cho gần 10 nước châu Phi, từ Angola tới Uganda. “Vụ vận chuyển vũ khí trái phép quy mô lớn nhất” của Triều Tiên bị phát hiện hồi tháng 8-2016 với 30.000 súng phóng lựu được giấu dưới quặng sắt trong chuyến tàu tới Ai Cập.
Trong năm 2016, chỉ có 11 trên tổng số 54 nước châu Phi gửi báo cáo về giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên lên LHQ - đạt tỉ lệ thấp nhất toàn thế giới.
Ông Marcus Noland, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Kinh tế thế giới Petersen, lý giải: “Luật pháp ở châu Phi khá lỏng lẻo. Đây là lý do Triều Tiên coi châu Phi là mục tiêu chiến lược”. Theo ông, hoạt động quân sự của Triều Tiên ở châu Phi có từ lâu và lợi nhuận ngày càng tăng, giúp Bình Nhưỡng giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhận ra “dòng chảy ngầm” này, hồi năm 2016, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là bà Park Geun-hye thực hiện chuyến thăm tới 3 nước châu Phi. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như không thành công.
Đơn cử, Congo nhập súng ngắn tự động và nhiều vũ khí nhỏ của Triều Tiên để trang bị cho đội cận vệ tổng thống và lực lượng cảnh sát đặc nhiệm. Trớ trêu là một số đơn vị cảnh sát này được phái sang Cộng hòa Trung Phi láng giềng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ cùng với... súng trường và mìn chống tăng do Triều Tiên chế tạo. Trong khi đó, theo báo cáo, chuyên gia Triều Tiên tiếp tục huấn luyện cho cận vệ của tổng thống Angola và phi công Uganda.
Bình luận (0)