Thực tế đã chứng minh rằng hậu duệ của Khổng Tử gần 80 đời nối tiếp đều được tận hưởng vinh hoa phú quý. Dù bao triều đại đổi thay vẫn không hề ảnh hưởng đến đặc quyền quý tộc cực cao của con cháu vị “Vạn thế sư biểu” này. Khúc Phụ được công nhận là di sản văn hóa nhân loại với hơn 100 di tích văn hóa, trong đó nổi tiếng nhất là 3 khu quần thể kiến trúc cổ hoàn chỉnh tồn tại gần 2.500 năm lịch sử có liên quan đến Khổng Tử, được gọi là “Khúc Phụ tam Khổng”.
Khổng miếu
Đây là cung điện quy mô hoành tráng được người đời sau kiến tạo để thờ phụng Khổng Tử. Trong hơn 2.500 năm sau khi Khổng Tử qua đời, để kỷ niệm vị thánh nhân phương Đông này, hàng ngàn Khổng miếu đã được lập ra, trong đó Khổng miếu ở Khúc Phụ là sớm nhất và lớn nhất (năm 478). Nơi đây chiếm diện tích hơn 200 ha, trước sau có 9 viện, chiều Nam-Bắc dài khoảng 1 km. Chỉnh thể kiến trúc có 466 gian, bốn phía có tường cao bao bọc với cổng, mái lầu uốn cong. Phía trong cỏ mượt như nhung, tùng bách ngợp trời. Đại Thành điện là chủ thể kiến trúc nằm giữa Khổng miếu, được lợp bằng ngói lưu ly vàng, quanh bốn phía là 28 cột đá điêu khắc hình rồng mây cực kỳ tinh xảo, đao pháp mạnh mẽ, tạo hình sinh động, được xem là kiệt tác điêu khắc đá cổ đại Trung Hoa.
Trước Đại Thành điện không xa là một tòa đình cổ hình vuông, bên trong dựng một tấm bia đá thấp có khắc 2 chữ triện “Hạnh Đàn”. Tương truyền đây là nơi Khổng Tử dạy học thuở xưa, xung quanh có trồng rất nhiều cây hạnh. Ngự Bi đình gồm 55 tấm bia đá của hoàng đế các đời ngự chế để ghi nhớ công lao, tôn sùng công đức Khổng Tử hoặc gia phong, tu sửa Khổng miếu.
Khổng lâm
Đây là khu mộ địa của Khổng Tử và gia tộc, nằm ở phía Bắc Khúc Phụ. Khu này cũng được gọi là Chí Thánh lâm. Bắt đầu từ năm 479 Khổng Tử được an táng ở đây, hậu duệ họ Khổng các đời cũng đều được táng vào Khổng lâm. Đến nay diện tích khu mộ địa này đã rộng hơn 3.000 ha với hơn 100.000 gốc tùng, bách cổ thụ, những đội ngũ người đá, thú đá xếp hàng theo muôn ngàn bia đá, có thể gọi đây là nghĩa trang gia tộc lớn nhất thế giới.
Nếu đi xe ra cổng Bắc thành phố Khúc Phụ, từ xa có thể thấy hai hàng tùng bách xanh um dẫn lối thẳng vào mộ Khổng Tử, gọi là Khổng lâm thần đạo, đoạn giữa đường là tòa nhà Vạn cổ Trường xuân, gồm 46 cột đá, hai mặt tạc 12 con sư tử đá, phía trên khắc rồng, phụng, ngựa, mây, tạo hình sinh động, khí thế hùng vĩ. Cuối thần đạo là cửa lớn, trước cửa có một tòa nhà bia bằng gỗ, hai bên dựng bia đá tưởng niệm. Qua cửa đi thêm một đoạn đường rợp bóng tùng cổ thụ là đến mộ Khổng Tử.
Mộ Khổng Tử nằm giữa Khổng lâm, có tường đỏ bao bọc, trước mộ là tấm bia đá lớn khắc 8 chữ theo thư pháp lối chữ triện “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương mộ”; phía Đông mộ Khổng Tử là mộ của con trưởng Khổng Lý, phía Nam là mộ của trưởng tôn Khổng Cấp, bố cục của mộ theo phong thủy là thế “Huề tử bão tôn” (dắt con ôm cháu) mang ý nghĩa sâu xa. Phía Tây mộ Khổng Tử là một ngôi nhà nhỏ 3 gian, gọi là “Tử Cống lư mộ địa”, tương truyền khi Khổng Tử qua đời, các đệ tử đều đến chịu tang giữ mộ 3 năm rồi đi, duy có Tử Cống ở lại thủ tang thêm 3 năm nữa, người đời sau kỷ niệm việc này mới làm nhà lập bia thờ. Trong Khổng lâm còn có nhiều công trình kiến trúc phụ như điện thờ, cầu Mạt Thủy, nhà Vu Thị... hơn 2.500 năm qua vẫn luôn được bảo vệ hoàn chỉnh, quả là hiếm thấy. Nơi đây có giá trị rất lớn trong việc tìm hiểu diễn tiến tập tục an táng từ thời Tần, Hán về sau.
Khổng phủ
Phủ này nằm gần Khổng miếu trong thành Khúc Phụ, là phủ đệ cư trú các đời trưởng tôn của Khổng Tử. Bắt đầu từ đời Tây Hán (206 trước Công nguyên-25 sau Công nguyên), các hoàng đế phong kiến luôn tiến hành gia phong đối với Khổng Tử và trưởng tôn của ông. Đời Đường truy phong Khổng Tử là “Văn Tuyên Vương”, đời Tống phong trưởng tôn đời thứ 46 là Khổng Tông Nguyện làm “Diễn Thánh Công”. Đến năm 1935, Chính phủ Quốc Dân đảng phong trưởng tôn đời thứ 77 của Khổng Tử là Khổng Đức Thành (nguyên Viện trưởng Viện Khảo thí Đài Loan) làm “Đại Thành chí thánh tiên sư phụng tự quan”. Do không ngừng được tu sửa và mở rộng, Khổng phủ hiện chiếm diện tích hơn 180 ha với hơn 500 gian đủ các loại đường, phòng, lầu, sảnh, phân theo bố cục 3 đường, chủ thể kiến trúc ở giữa, phía trước là công quán, phía sau là nhà ở, sau cùng là hoa viên.
Cháu đời thứ 76 của Khổng Tử là ca sĩ Ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Khổng Lệnh Kỳ là cháu đời thứ 76 của Khổng Tử. Cha anh gốc Khúc Phụ, Sơn Đông, mẹ ở Đài Loan, tuy sinh ra và lớn lên ở Los Angeles, Mỹ, nhưng anh nói không bao giờ quên cội rễ. Khổng Lệnh Kỳ thừa nhận rằng gia thế hiển hách với bậc tiên tổ là “thánh nhân” của Trung Hoa đã giúp anh rất nhiều trong sự nghiệp ca hát và công ty đĩa hát của anh cũng lợi dụng điều này để phát triển thị trường. Khổng phủ ở Khúc Phụ cũng yêu cầu Khổng Lệnh Kỳ đại diện cho địa phương trong hoạt động tổ chức Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Tuy càng lúc càng nổi tiếng trong lĩnh vực ca nhạc, nhưng Khổng Lệnh Kỳ nói lời giáo huấn của ông tổ từ 2.500 năm trước về lòng hiếu thuận là không bao giờ dám phạm. Anh sẽ theo lời khuyên của cha để học ngành thương mại vì “nghiệp ca hát không bền”. |
Bình luận (0)