Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng Eurozone dường như sẽ thống trị các cuộc hội đàm tại hội nghị lần này.
Giới chức cho biết tại bữa tối khai mạc (18-5), vấn đề về tham vọng hạt nhận của Iran và Triều Tiên, cũng như cuộc chiến ở Syria đã được mang ra thảo luận với sự đồng thuận rộng rãi.
Các lãnh đạo G8 (bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga và Mỹ) đều nhất trí rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự cô lập gay gắt hơn nếu vẫn nhất quyết theo con đường hạt nhân của mình.
Về Iran, các lãnh đạo G8 cho rằng trách nhiệm của chính phủ nước cộng hòa Hồi giáo này là phải chứng minh được các chương trình hạt nhân của mình chỉ mang tính chất hòa bình.
Về Syria, một quan chức Mỹ khẳng định rằng các lãnh đạo, trong đó có cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đều nhất trí rằng kế hoạch hòa bình do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn vẫn chưa được triển khai toàn diện và hiện chưa cần thiết phải tính tới chuyển giao chính trị ở Syria.
Theo giới phân tích thì các vấn đề đưa ra tại hội nghị lần này đều không hề đơn giản, và khả năng đưa ra phương án giải quyết triệt để là rất mong manh.
Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ bên lề Hội nghị G-8, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố ông sẽ thực hiện cam kết rút các lực lượng chiến đấu của Pháp khỏi Afghanistan vào cuối năm 2012, sớm hơn hai năm so với kế hoạch của NATO. Tuy nhiên ông Hollande cũng cho biết thêm rằng Pháp sẽ vẫn duy trì sự hiện diện trong việc huấn luyện các lực lượng Afghanistan cũng như tổ chức thu hồi thiết bị quân sự Pháp với Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF).
Hy Lạp cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel sáng 18-5 đã gợi ý nước này có thể thực hiện trưng cầu dân ý về liệu có nên ở lại eurozone khi tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia vào tháng tới.
Một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng lâm thời Hy Lạp cho biết bà Merkel đã đề cập tới chủ đề này trong cuộc điện đàm với Tổng thống Karolos Papoulias.
“Thông tin đó hoàn toàn sai và chúng tôi kịch liệt bác bỏ”, phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết.
Bình luận (0)