Cuộc khủng hoảng này đã khởi đầu từ 30 năm trước. Thị trường lương thực thế giới từng chịu trận với những đợt tấn công của giá cả nông sản, nguồn cung cấp một nửa năng lượng cho nhân loại. Tình hình này càng ngày càng trầm trọng hơn khi cung không đáp ứng cầu. Hậu quả là từ người tiêu dùng đến các công ty đa quốc gia, từ nhà nông đến người dân đô thị có thu nhập thấp khắp thế giới, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng.
Dan Basse, Chủ tịch Công ty AgRessource chuyên về phân tích nguyên liệu nông sản ở Chicago (Mỹ), mới đây nhận định: “Cái thời ngũ cốc giá rẻ đã qua rồi”. Nói về ngũ cốc nước Mỹ, ông cho biết năm nay giá bắp ở bang Illinois đã tăng 40%, giá đậu nành tăng 75% so với năm 2006. Giá lúa mì ở bang Kansas tăng ít nhất 70%. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp chế biến thực phẩm tin rằng cơn sốt giá nông sản có thể kéo dài cả chục năm nữa, kéo theo giá cả tất cả các sản phẩm lương thực.
Tăng giá đủ loại nông sản
Trong quá khứ, việc tăng giá diễn ra khi nguồn cung chao đảo tạm thời. Ví dụ, sau một vụ mùa bắp thất bát, nông dân tưởng bở mở rộng diện tích trồng bắp thì mùa sau giá sẽ sụt giảm trở lại. Nhưng tình hình lạm phát giá bắp năm nay khác hẳn. Chẳng những giá bắp tăng ở mức cao mà “dịch” tăng giá này còn lan truyền sang các loại nông sản khác như đại mạch, bo bo, yến mạch (chủ yếu cho ngựa ăn), gạo, đậu Hà Lan, hạt hướng dương, đậu lăng, trứng và pho mát. Tại bang Georgia, nơi sản xuất thịt gia cầm lớn nhất ở Mỹ, giá sỉ thịt gà xuất xưởng đã tăng 15% kể từ năm ngoái.
Điều khác biệt của những năm gần đây so với trước là nhu cầu gia tăng khổng lồ từ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Tại các nước có tốc độ tăng trưởng tăng nhanh này, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh (hàng trăm triệu người) tiêu thụ nhiều thịt và sữa hơn. Điều này làm gia tăng mức cầu ngũ cốc chăn nuôi gia súc. Ví dụ, tại Mỹ, muốn tăng trọng 1 kg bò thịt phải cho nó ăn 3 kg thức ăn gia súc còn đối với heo là 2 kg.
Với đà gia tăng giá cả ngũ cốc liên tục hiện nay, các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp đang lo lắng không biết ngành nông nghiệp toàn cầu có khả năng nuôi nổi loài người nữa hay không. Theo nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ, các kho dự trữ nông sản trên thế giới chưa bao giờ thấp như hiện nay, tính từ 1970 là năm châu Á thiếu hụt lương thực triền miên và Liên Xô đột nhiên trở thành nước nhập khẩu lớn lương thực. Người ta không biết tìm thêm ở đâu ra diện tích đất để gieo trồng. Người ta cũng không biết những tiến bộ công nghệ sinh học có thể cải thiện năng lực sản xuất nông nghiệp kịp thời hay không.
Đối với các bà nội trợ Mỹ, giá cả thực phẩm đang trở thành một cơn ác mộng. Từ 17 năm nay, họ chưa từng chứng kiến cơn sốt giá lương thực nào cao như năm nay. Con số 9,9% thu nhập của họ để dành mua thực phẩm giờ đây đã trở nên lạc hậu. Cái gì cũng tăng giá, từ hũ yaourt nhỏ cho đến sữa, thịt, trứng v.v...
Hiện tượng kể trên không chỉ có ở Mỹ. Người Ý cũng điên lên vì giá bột nhào (làm mì sợi, pizza...) chỉ tăng chứ không giảm, mà bột nhào là thứ không gia đình người Ý nào có thể thiếu. Về phía các chính phủ, Pakistan đã buộc phải hạn chế xuất khẩu hàng nông sản để đối phó với nạn lạm phát giá thực phẩm. Chính phủ Nga cũng có dự định như thế sau khi giá bánh mì tăng chóng mặt.
Giá bắp ở bang Illinois đã tăng 40% so với năm 2006 |
850 triệu người châu Phi thiếu ăn
Cơn sốt giá ngũ cốc hiện nay làm chính quyền các nước nghèo, nhất là các nước châu Phi, lo lắng. Người dân của họ vốn đã nghèo sẽ càng khốn đốn thêm trước cơn sốt giá nông sản. Đã vậy, các nước giàu như Mỹ và châu Âu lại chủ trương trợ giá cho các nhà sản xuất nông nghiệp lớn của họ khiến nông sản của các nước nghèo khó cạnh tranh nổi trên thị trường Âu - Mỹ.
Một hệ quả khác ít ai biết là các tổ chức nhân đạo thường xuyên mua lương thực để cứu trợ người dân các nước nghèo giờ đây không thể mua đủ lương thực như trước bởi ngân sách có hạn mà giá cả tăng vô hạn. Nếu biết rằng trong số 850 triệu người thiếu ăn ở các nước nghèo nhất thế giới có đến 200 triệu người sống nhờ viện trợ của các tổ chức này thì đủ biết tình hình bi đát như thế nào. Bà Josette Sheeran, giám đốc điều hành tổ chức Chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc, than thở: “Điều đáng sợ nhất là chúng tôi phải lùi bước trước nạn đói”.
Châu Phi là vùng đất duy nhất trên thế giới có nạn thiếu đói trầm trọng. Trước mối đe dọa kể trên, cần phải đặc biệt tăng cường những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn thiếu hụt cái ăn ở khu vực cận Sahara. Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, nay là chủ tịch Liên minh Vì cách mạng xanh ở châu Phi, nhận định: “Tôi tin rằng chúng ta sắp đối đầu với một cuộc khủng hoảng lương thực”. Ông nhấn mạnh rằng, trước tình hình giá cả nông sản tăng phi mã, không có cách nào khác ngoài chuyện tự lực cánh sinh, cố gắng sản xuất lương thực thật nhiều để tự nuôi mình.
Ông Kofi Annan hy vọng sẽ làm được điều này bởi ông đang điều hành một chiến dịch giúp châu Phi tiến hành cách mạng nông nghiệp của chính mình như các nước châu Á và châu Mỹ Latinh đã từng làm cách nay mấy chục năm. Chiến dịch này được quỹ từ thiện Bill&Melinda Gates (vợ chồng nhà tỉ phú Mỹ Bill Gates) và Quỹ Rockefeller tài trợ.
Bình luận (0)